Khánh Hoà: Tăng ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược vào khu kinh tế Vân Phong

Chiều 21/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hoà.

Lý giải về sự cần thiết xây dựng nghị quyết của Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hoà, tờ trình của Chính phủ nêu rõ, Khánh Hoà là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước, có tiềm năng bứt phá phát triển, lan tỏa thúc đẩy phát triển vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được khai thác hợp lý, chưa tạo ra sự đột phá cho phát triển. Khánh Hoà chưa đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương; chưa thực sự trở thành đô thị hạt nhân, động lực phát triển, cửa ngõ chính ra biển Đông của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. 

Khu kinh tế Vân Phong phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Quy mô kinh tế còn khá nhỏ; cơ cấu kinh tế thiếu cân đối, phụ thuộc nhiều vào khu vực dịch vụ, sức chống chịu không cao. Trong hai năm vừa qua (năm 2020 và năm 2021), Khánh Hòa là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, GRDP năm 2020 là - 10,5%, năm 2021 là -5,58%; du lịch phát triển chưa bền vững; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; phát triển và quản lý đô thị còn nhiều bất cập. 

Báo cáo Thẩm tra của Thường trực Uỷ ban TCNS cho rằng những chính sách đề xuất chưa mang tính đột phá, chưa khai thác tối đa thế mạnh về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu những chính sách đột phá, sáng tạo, thể hiện tư duy chiến lược, phát huy lợi thế, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị; Đối với các chính sách được đề xuất, cần đánh giá tác động toàn diện về kinh tế - xã hội, môi trường, đặc biệt không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng; cần bảo đảm tính hợp lý, khả thi trong ưu đãi; làm rõ hiệu quả, giá trị; cần đề cao trách nhiệm  trong quản lý nhà nước tại địa phương; phù hợp năng lực quản lý; bảo đảm minh bạch, tránh lợi dụng chính sách; kiểm soát gian lận thương mại. 

Các ý kiến trong thường trực Uỷ ban nhất trí về các nội dung liên quan về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, về tách hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công. Liên quan đến chủ trương thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong, các ý kiến cho rằng, Khu kinh tế Vân Phong cũng như tỉnh Khánh Hòa có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ cơ sở thực tiễn, tính khả thi của việc triển khai.

Thảo luận về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, các thành viên uỷ ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với 6 nhóm chính sách do chính phủ trình, đồng thời cũng gợi ý tỉnh Khánh Hoà và cơ quan trình nghiên cứu bổ sung thêm các chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong, đẩy mạnh việc phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hoà trong việc quyết định chủ trương đầu tư đối với một số dự án.  

Cho rằng, quy định ưu đãi nhà đầu tư chiến lược như đề xuất còn hạn hẹp, chưa có chính sách mới và đột phá, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng ý nên mở rộng như quan điểm của cơ quan thẩm tra: Áp dụng thí điểm cơ chế cho phép các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế Vân Phong được khấu trừ bổ sung đối với các chi phí về nghiên cứu phát triển khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Cùng với đó là phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án của nhà đầu tư chiến lược trong Khu Kinh tế Vân Phong thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch Quốc Hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Tôi cũng có cảm nhận như các đồng chí, các ưu đãi nhà đầu tư chiến lược chưa có chính sách mới và đột phá. Các đồng chí cân nhắc thêm có thể cho nhà đầu tư chiến lược hoặc cho tất cả các doanh nghiệp trong khu kinh tế Vân Phong, miễn là đầu tư phát triển, đổi mới, sáng tạo. Tới đây khi chúng ta xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chắc chắn là phải đề cập đến việc này. Anh đầu tư đổi mới, sáng tạo, đầu tư phát triển thì tính toán khấu trừ. World Bank (Ngân hàng Thế giới - PV) hôm trước tham gia Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo, người ta đưa ra cách tính rất dễ, không có gì khó.

Thứ hai là nhà đầu tư bây giờ ngoài chính sách, cơ chế ra người ta muốn nhanh. Tôi nghĩ sẽ có trao đổi phân cấp nhưng trách nhiệm sẽ tăng lên. Tôi nghĩ, nếu ủy quyền cho các đồng chí lại trách nhiệm lớn hơn, cũng tăng trách nhiệm, cho nên trong này quy định thế nào đó để đảm bảo được ủy quyền nhưng nó chặt chẽ, tức là có cơ chế để lấy ý kiến của các bộ”. 

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Thuộc thẩm quyền Thủ tướng, đúng ra Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng, nhưng bây giờ phân cấp cho tỉnh. Tỉnh cũng hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà tỉnh không dại gì không hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cả. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời rồi, đồng ý rồi thì bình thường trình lên Thủ tướng ký. Bây giờ không trình Thủ tướng mà chuyển cho tỉnh, tỉnh ký, tỉnh chịu trách nhiệm, việc này tôi thấy cũng rất phù hợp mà cũng phù hợp với Nghị quyết 09 mà Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng có đề nghị”.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà Nguyễn Hải Ninh cho rằng kỳ vọng của Vân Phong thì rất lớn, nhưng thiết kế chính sách thì khá khó bởi khu kinh tế Vân Phong so với các khu kinh tế khác đầu tư hạ tầng trong thời gian qua còn hạn chế, nên chưa thể hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Do vậy, tỉnh Khánh Hoà phải đề ra cơ chế, chính sách để thu hút được những nhà đầu tư lớn,  giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, mong muốn có những cơ chế chính sách đột phát để phát triển  trong thời gian tới.

Ông NGUYỄN HẢI NINH - Bí thư tỉnh uỷ Khánh Hoà: “Khấu trừ chi phí đối với chi phí chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nghiên cứu và chuyển giao R&D thì rất là phù hợp, rất là mong các đồng chí có kết luận cho chúng tôi để cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện. Hai là phân cấp của Thủ tướng Chính phủ đối với những dự án trong khu kinh tế Vân Phong của các nhà đầu tư chiến lược thì được Thủ tướng phân cấp cho tỉnh để chấp thuận chủ trương đầu tư. Ở đây mình chỉ giới hạn là đối với nhà đầu tư chiến lược và thứ hai là đối với các dự án thuộc danh mục ưu tiên thu hút đầu tư đã có trình bày trong dự thảo, chứ không phải là tất cả các dự án. Do vậy, chúng tôi rất mong các đồng chí có kết luận về vấn đề này để chúng tôi tiếp tục hoàn thiện thêm”.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận những ưu đãi cho Vân Phong chưa chạm tới mong muốn của nhà đầu tư với 4 vấn đề: sử dụng đất đai, miễn thị thực, giảm thuế, thủ tục hành chính.

Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Những vấn đề miễn, giảm thuế thì các nhà đầu tư người ta quan tâm đến vấn đề như vậy, hay là vấn đề thủ tục, trình tự thì phải nhanh chóng, gọn nhẹ, đơn giản. Đấy là 4 vấn đề các nhà đầu tư người ta cần thì hầu hết mình chưa đáp ứng được, như Chủ tịch nói là nó đang còn "hẻo quá", thật sự mình chưa chạm được tới, mình không động được đến, như vậy nó rất khó tạo ra đột phá cho Vân Phong. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã cùng với tỉnh nghiên cứu rất nhiều, nhưng thật sự, khi vào từng vấn đề như vậy nó cũng có những vấn đề pháp lý rất khó.”

Về đề xuất bổ sung chính sách kinh tế biển về trung tâm dịch vụ nghề cá, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng rất cần những khu hậu cần nghề cá để giúp bà con có thể tránh, trú bão; đồng thời có thể tiêu thụ các sản phẩm khi đánh bắt được mà không phải chạy vào bờ,  giúp cho bà con yên tâm bám biển sản xuất,  bảo vệ được chủ quyền biển đảo.

Thùy Linh