Khi đồng bào dân tộc thiểu số làm homestay

Làm sao để phát triển du lịch bật hẳn lên, mang lại những giá trị bền vững thì phụ thuộc rất nhiều vào sự tư duy cũng như cách làm của cộng đồng dân cư các bản làng. Câu chuyện về cách làm du lịch của chính quyền cũng như người dân thôn Nậm Đăm thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang là một ví dụ điển hình.

Homestay của anh Lý Tà Dồn là một trong những cơ sở mới được cho phép đón khách tại thôn Nậm Đăm. Theo như anh chia sẻ, để có thể tham gia vào cộng đồng làm du lịch tại đây thì hộ gia đình anh phải đáp ứng những điều kiện tối thiểu về không gian, điều kiện ăn ngủ nghỉ do chính quyền địa phương đề ra. Điều này đồng nghĩa, không phải cứ có nhà cổ, nhà truyền thống là có thể làm được du lịch nếu thiếu các dịch vụ bổ trợ.

Còn dãy phòng được coi là hạng “cao” này của ông Lý Quốc Thắng - một trong những người có thâm niên làm du lịch cộng đồng lâu nhất thôn Nậm Đăm. Sau gần 10 năm theo đuổi ngành dịch vụ lưu trú, ông đã đi nhiều nơi để tham khảo các mô hình du lịch và áp dụng vào xây dựng dãy phòng này. Nhìn trên mặt bằng chung thì cách bài trí của căn phòng này khá thu hút, tương đồng với nhiều cơ sở lưu trú được xếp hạng 3*.

Có lẽ chính vì tư tưởng “mạnh dạn, liều lĩnh” của những người như ông Lý Quốc Thắng mà bộ mặt của thôn Nậm Đăm đã thay đổi mạnh mẽ, cả về chất và lượng.

Cái hay của du lịch cộng đồng là tạo sự kết nối giữa du khách với người dân địa phương, nhưng những người dân thôn Nậm Đăm đã làm được hơn thế khi nâng cấp được các dịch vụ bổ trợ đi kèm. Cứ 1 tuần 1 lần, đoàn thanh niên trong thôn lại tập hợp để dọn dẹp bản làng xanh, sạch. Dù trẻ hay già, các thế hệ người dân thôn Nậm Đăm đã biết trân trọng những giá trị riêng của của dân tộc mình. Từ một vùng đất nghèo khó, sự thay đổi tư duy cùng với định hướng của địa phương, thôn Nậm Đăm đã lột xác trở thành một địa điểm du lịch thu hút của tỉnh Hà Giang, và không quá khi ví von, từng gốc cây, ngọn cỏ nơi đây đều ẩn hiện sự thơ mộng, đẹp đẽ và sạch sẽ mà hiếm bản làng vùng cao nào có được.

Văn Thắng