• 6514 lượt xem
  • 06:43 02/05/2022
  • Văn hóa

Câu chuyện di sản: Trùng tu điện Thái Hòa

Công tác trùng tu, bảo tồn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để có thể phát huy giá trị của các di tích có tuổi đời hàng trăm năm. Khi tiến hành trùng tu, bảo tồn buộc phải tuân theo các văn bản pháp luật, có sự nghiên cứu kĩ lưỡng về địa tầng, kiến trúc, văn hóa, lịch sử và nhiều yếu tố liên quan tới công trình. Cùng tìm hiểu vấn đề này từ câu chuyện trùng tu điện Thái Hòa.

Điện Thái Hòa là cung điện nằm trong khu vực Đại Nội của kinh thành Huế, nơi đăng quang của 13 vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại. Nơi đây được coi là là công trình quan trọng nhất trong khu vực Hoàng cung Huế. Trải qua hơn 200 năm lịch sử, Điện Thái Hòa cũng đã chịu không ít những tác động của thời gian, của thiên nhiên, khiến ngôi điện này, ít nhiều mất đi hình dáng lịch sử vốn có.

KHI THỜI GIAN THÁCH THỨC DI SẢN

Trong tất cả các công trình thuộc Di sản cố đô Huế, điện Thái Hòa được đánh giá là di tích vẫn giữ nguyên những giá trị lịch sử, văn hóa cho đến ngày hôm nay. Là cung điện rộng lớn, uy nghi, tráng lệ nhất trong hệ thống kiến trúc cung đình Huế, công trình này là nơi chứng kiến biết bao thăng trầm của đất nước, ghi những dấu mốc lịch sử quan trọng của dân tộc.

Ông LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG, Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Huế: “Đó chính là trái tim của kinh thành Huế, trái tim của quốc gia Đại Nam. Đối với những người yêu văn hóa Huế như chúng tôi, trước tin điện Thái Hòa được trùng tu, tôi cho rằng nó đánh dấu bước chuyển biến quan trọng, góp phần gìn giữ di sản nhà Nguyễn, giữ hình ảnh điện Thái Hòa trong tâm thức người Việt”.

Đây là những hình ảnh của Điện Thái Hòa những năm 1920. Những bức ảnh đen trắng quí giá này là minh chứng rất rõ cho vẻ đẹp, vẻ mỹ miều của Điện Thái Hòa, còn hình ảnh của Điện Thái Hòa 1 năm trước là những chỗ chắp vá, những cột, những kèo, để chống lại sự rơi vỡ, sụp đổ. Thời gian cùng với cơn nắng nóng, bão dữ đã khiến ngôi điện quan trọng bậc nhất của cố đô Huế không còn nguyên vẹn hình dáng.

Ông HOÀNG VIỆT TRUNG, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế: “Điện Thái Hòa với du khách trước khi trùng tu là điểm tiếp cận đầu tiên, chứa đựng câu chuyện lịch sử, nguồn chất liệu suốt quá trình triều đại, rất hấp dẫn. Nó cũng giá trị về thẩm mĩ, nghệ thuật rất đặc sắc. Chính vì vậy, trước sự xuống cấp thăng trầm lịch sử, Trung ương và địa phương phải quyết tâm dù khó về nguồn lực sớm trùng tu, phục dựng lại ngôi điện”.

Theo sử sách ghi lại, Điện Thái Hòa từng trải qua một đợt “đại trùng tu” vào năm 1923 dưới thời vua Khải Định, để chuẩn bị cho lễ Tứ tuần Đại khánh tiết của nhà vua (mừng vua tròn 40 tuổi) diễn ra vào năm 1924. Qua các đợt trùng tu lớn nói trên và nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhỏ khác dưới thời vua Thành Thái, Bảo Đại và trong thời gian gần đây vào các năm 1960, 1970, 1981, 1985 và 1992,  điện Thái Hòa đã ít nhiều có thay đổi.  Tuy nhiên, điều may mắn là  cốt cách cơ bản của cung điện này lại vẫn còn được bảo lưu, nhất là phần kết cấu kiến trúc và trang trí mĩ thuật. Với sự xuống cấp nghiêm trọng của cung điện này trong vài năm trở lại đây, chỉ có một cuộc “đại trùng tu” mới có thể trả lại những giá trị đáng quí cho tuyệt tác lịch sử này.

Ông NGUYỄN THANH BÌNH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế: “Chúng tôi rất quan tâm và đánh giá đây là 1 công trình hết sức quan trọng. Do đó phải quyết tâm trùng tu hiệu quả nhất và chúng tôi tin cách làm như hiện nay công trình sẽ hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình quan trọng trong quần thể di tích cố đô Huế, phát huy giá trị bảo tồn của Thừa Thiên Huế”.

Công chúng, những người yêu văn hóa và du khách đang rất mong chờ điện Thái Hòa với diện mạo được bảo tồn sau trùng tu. Hơn bao giờ hết, công trình là trái tim, biểu tượng của di sản này sẽ thoát khỏi nguy cơ xuống cấp, qua đó phát huy giá trị như từng có trong lịch sử một thời…

Câu chuyện trùng tu di tích không phải là ít ở nước ta, thế nhưng việc trùng tu một công trình có giá trị văn hoá, lịch sử đặc biệt, một công trình được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới thì chắc chắn sẽ nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân cả nước cũng như các bạn bè quốc tế. 

TRÙNG TU ĐIỆN THÁI HÒA THEO PHƯƠNG PHÁP HẠ GIẢI TOÀN PHẦN

Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng nhất trong Hoàng Cung triều Nguyễn, nơi diễn ra các đại lễ và các cuộc họp đại triều với sự tham gia của vua, hoàng thân quốc thích và các đại thần. Nằm ở vị trí chính yếu, được du khách tham quan với tần suất dày đặc nên việc trùng tu di tích này được đánh giá là hết sức thận trọng. 

Trước khi hạ giải, đơn vị thi công đã chụp ảnh toàn bộ hiện trạng công trình, dập lại hoa văn trang trí, đánh dấu vị trí cấu kiện gỗ và làm sàn bảo vệ nền gạch… Tiến hành hạ giải từng hạng mục như: mái ngói, ô pháp lap, hệ vách ván.. rồi đưa vào nhà bao che để phân loại đánh giá với sự tham gia của hội đồng khoa học. Theo đó, đối với cấu kiện được đánh giá hư hỏng hoàn toàn thì phục hồi mới, hư hỏng ít thì xử lý vệ sinh nối vá, cấu kiện còn tốt sẽ tái sử dụng hoàn toàn.

Ông HỖ HỮU HÀNH – Giám đốc Công ty CP Tu bổ Di tích Huế: “Chúng tôi sẽ tập trung cho công tác gia công, thay thế các cấu kiện gỗ, sau đó tiếp tục lắp dựng, lắp xong bộ khung thì chúng tôi đánh giá hệ liên ba (tức vách ván) có trang trí hoa văn được UNESCO công nhận di sản tư liệu thế giới rồi đánh giá cái nào cần bảo tồn, cái nào cần thay thế phần sơn son thiếp vàng như thế nào thì đó là công tác tiếp theo”.

Ông PHAN VĂN TUẤN – PGD Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế:Tất cả các bộ phận tham gia ở đây đều được bố trí theo quy định. Từ khâu giám sát của chủ đầu tư, kỹ thuật, tới khâu điều hành, chỉ huy công trường của đơn vị thi công. Các đơn vị phối hợp với nhau và phân công rõ ràng từng công việc một. Đặc biệt, với công trình này, những cấu kiến xuất lộ chúng tôi đều cập nhật bằng đo vẽ, quay phim, scan 3D để làm phim tổng hợp việc thi công công trình”.

Việc trùng tu điện Thái Hòa được kỳ vọng là công trình chuẩn mực trong việc trùng tu di sản khi tôn trọng tối đa yếu tố gốc, áp dụng công nghệ để trùng tu hiệu quả hơn. Điển hình như việc làm sàn bảo vệ nền gạch với quy trình tẩy sạch nền, quét lớp sơn chống thấm và trải 1 lớp nilông, 1 lớp cao su, làm hệ khung gỗ, lát thép tấm lên trên theo hồ sơ được duyệt. Việc ứng dụng công nghệ quét 3D cũng được kỳ vọng tạo nguồn tư liệu cho công tác trùng tu sau này.

Ông HỖ HỮU HÀNH – Giám đốc Công ty CP Tu bổ Di tích Huế: “Dự án này là nhóm B, theo quy định, từ ngày khởi công đến khi bàn giao vào sử dụng là 4 năm. Điện Thái Hòa là điểm đến của tất cả du khách nên chúng tôi sẽ dồn hết nguồn lực, kinh nghiệm vào công trình này, tức rút ngắn còn khoảng 3 năm”.

Việc trùng tu điện Thái Hòa sẽ góp phần gìn giữ di tích này còn mãi với thời gian, đồng thời là biểu tượng chuẩn mực trong quá trình bảo tồn di sản. Trước đó, dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa được UBND tỉnh THừa Thiên Huế phê duyệt thực hiện với tổng mức đầu tư trên 128 tỉ đồng, gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác.

Để có thể hiểu hơn về đợt trùng tu quan trọng này, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có trao đổi với TS. PHAN THANH HẢI – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế, thành viên Hội đồng Di dản quốc gia, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế từ năm 2011-2019.

Xin mời quý vị tiếp tục theo dõi chương trình.

Anh Thư