Khó khăn thực hiện tự chủ tại Học viện An ninh Nhân dân

Chiều 07/04, Đoàn Giám sát của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc tại Học viện An ninh nhân dân về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học. Học viện chưa thể thực hiện được các quy định về quyền tự chủ và đang tìm phương hướng tháo gỡ.

Trải qua 75 năm, Học viện An ninh nhân dân trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của ngành Công an, là trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu trong lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự, là địa chỉ uy tín cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho lực lượng Công an và cho xã hội.

Qua trao đổi, thành viên Đoàn Giám sát cho rằng, định hướng đào tạo của Học viện An ninh nói riêng và các học viện trong ngành công an nói chung phải gắn với thực tiễn công tác chiến đấu của ngành. Công tác đào tạo sĩ quan công an phải đáp ứng yêu cầu xây dựng ngành theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Trong đó, ưu tiên hàng đầu hiện nay là tăng cường lực lượng cho công an xã. Do đó, thành viên Đoàn giám sát nêu vấn đề liên quan đến giáo trình đào tạo đối với công an xã.

Thiếu tướng NGUYỄN THỊ XUÂN - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: “Công an xã hiện nay là mô hình của công an huyện, công an tỉnh thu nhỏ, làm những nhiệm vụ toàn diện. Tôi rất quan tâm đến giáo trình nghiệp vụ tới đây đã có điều chỉnh để đáp ứng được giáo trình toàn diện để đào tạo những cán bộ công an cấp xã theo tiêu chuẩn mô hình mới?”

Trung tướng LÊ VĂN THẮNG - Giám đốc Học viện An ninh Nhân dân: “Từ khi Bộ có chủ trương thì chương trình đào tạo 4 cấp đã thay rồi, trước đây chúng tôi đào tạo theo chuyên ngành hẹp, có chống phản động, chống gián điệp, bảo vệ an ninh nội bộ, an ninh điều tra,... Nhưng khi Bộ đưa tất cả sinh viên ra trường về xã thì chương trình đổi ngay. Phần chuyên ngành giảm đi thấp, điều chỉnh, mở rộng kiến thức ngành.”

Về công tác tuyển sinh, một số đại biểu đánh giá cao sự bài bản, kỹ lưỡng. Tuy nhiên, tiêu chuẩn nghề nghiệp không chỉ cứ điểm cao là vào học được mà còn cần rất nhiều yếu tố khác, nhất là với khối ngành cần sự rèn luyện. 

Ông ĐỖ CHÍ NGHĨA - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: “Các đồng chí có phương án tuyển sinh nào để tuyển đúng đối tượng, tránh tình trạng tuyển người điểm cao nhưng không thực chất.”

Thiếu tướng ĐỖ ANH TUẤN - Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an: “Chúng tôi có 2 đề án. Đề án 01 là tuyển sinh những người đã tốt nghiệp đại học bên ngoài, chúng tôi tận dụng nguồn nhân lực đã được đào tạo và chỉ bổ sung thêm nghiệp vụ ngành công an trong thời gian ngắn. Sau 2 năm ra trường, là trung uý. Tuyển sinh các em tốt nghiệp trung học là đề án 04. Trước đây có nhiều tiêu cực tuyển sinh ở Hoà Bình, Hà Giang... Báo cáo đoàn trong 1 năm chúng tôi phải đuổi mấy chục em. Năm nay chúng tôi xây dựng một bài thi đánh giá tuyển sinh. Đề thi gồm 2 phần trắc nghiệm và tự luận, điểm bài đánh giá chiếm 60%, còn 40% là điểm thi tốt nghiệp THPT.”

Do tất cả hoạt động của Học viện An ninh đều tuân theo sự chỉ đạo, quản lý của Bộ Công an từ tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính và tài sản nên đến nay, trường vẫn không thể thực hiện quyền tự chủ. 

Ông NGUYỄN ĐẮC VINH - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: "Trong khi chưa lập hội đồng trường thì các chức năng nhiệm vụ vẫn phải thực hiện, ví dụ quyết định chiến lược, kế hoạch hằng năm cái này luật giao cho Hội đồng trường, chiến lược và Bộ Công an, chức năng nhiệm vụ của Hội đồng trường vẫn phải đc thực thi. Có nhiệm vụ gắn với Hội đồng trường do đặc thù, công tác cán bộ là Hội đồng trường bỏ phiếu nhưng đây là cấp uỷ giới thiệu, Bộ Công an duyệt. Vẫn có nhiệm vụ đó để thực hiện thông suốt. Nội dung này vẫn phải thực hiện theo pháp luật.

Đoàn giám sát cũng nêu lên một số vấn đề liên quan đến đội ngũ giảng viên, cho rằng, tỷ lệ tiến sĩ của học viện chỉ chiếm 27% là thấp và cần cải thiện trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu đào tạo, phát triển.
 

Anh Đức