Thống kê giai đoạn 2016-2021 số chậm đóng bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bình quân trên 10.000 tỷ đồng/1 năm. Thực trạng này vốn kéo dài và có xu hướng gia tăng, gây bức xúc cho người lao động. Dù việc khởi kiện, xử lý doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH đã được luật hóa, thậm chí là hình sự hóa; Nhưng đến thời điểm này việc thực thi vẫn “giậm chân tại chỗ” vì vướng đủ đường.
12 năm ròng rã người lao động bị Công ty Haprosimex nợ đóng BHXH đã trở thành dẫn chứng điển hình về tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH kéo dài dai dẳng. Quá trình công ty tiến hành cổ phần hóa đã gây nên nhiều khó khăn cho hành trình đòi quyền lợi của người lao động.
Mất đi quyền lợi về BHYT, BH thất nghiệp, chế độ thai sản, tử tuất… Rất nhiều hệ lụy khi người lao động bị doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH. Dù Bộ luật hình sự 2015 đã quy định về xử lý hình sự hành vi này nhưng việc vận dụng cũng không dễ dàng.
Đặc biệt, Luật BHXH hiện hành quy định rõ tổ chức công đoàn cơ sở có quyền: Khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể NLĐ. Tuy nhiên qua gần 7 năm được “trao quyền”, hàng nghìn hồ sơ đã tổ chức Công đoàn gửi đi nhưng số được thụ lý và khởi kiện “không đáng kể”.
Trước việc sửa đổi Luật BHXH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giao lại quyền khởi kiện này cho cả cơ quan bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó tăng mạnh các chế tài đối với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội như: Cấm xuất cảnh, ngừng hóa đơn, không được đấu thầu, thi công, mua sắm từ nguồn vốn của Nhà nước…