Những bãi rác tự phát đang là nỗi lo chung của cộng đồng. Nó không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn khiến nhiều hộ dân phải khốn khổ vì những tác hại mà rác thải gây ra.
Biển báo “Cấm đổ rác", thế nhưng rác vẫn chồng rác. Từ vật liệu xây dựng, cho đến rác thải sinh hoạt, rồi phế thải từ các gia đình… , không biết từ bao giờ, nơi đây đã trở thành một bãi rác khổng lồ gây ô nhiễm môi trường khiến người dân xung quanh không tránh khỏi bức xúc.
Bà ĐÀO THỊ MINH HƯƠNG, quận Cầu Giấy, Hà Nội: “Giữa thủ đô Hà Nội mà chúng tôi phải sống chung với đống rác hơn 10 năm rồi. Ở đây, rất nhiều người già và trẻ con bị ảnh hưởng rất nhiều. Bệnh tật nhiều, nhiều ổ dịch từ bãi rác này mà ra.”
Bà LÊ THỊ PHONG, quận Cầu Giấy, Hà Nội: “Thối chưa từng thấy. Các cô đi tập thể dục qua đây, mùi nó bốc lên. Bây giờ, các cô chả hiểu sống kiểu gì!”
Đây vốn dĩ là khu đất của một dự án xây dựng nhưng đã nhiều năm vẫn chỉ là bãi đất trống. Theo người dân khu vực này, trước đây khoảng đất này đã được quây tôn rào kín, nhưng sau đó phía dự án đã bỏ đi một phần tôn, biến thành khu tập kết rác.
Người dân: “Một tháng, lúc nào cô cũng mất 1 triệu tiền thuốc xịt để muỗi không bay vào. Suốt ngày nhà cô đóng cửa, không được lúc nào mở cửa. Mở ra là ô nhiễm. Đấy người ta cứ vứt đây này. Người ta có sợ gì đâu.”
Rất nhiều lần người dân làm đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Bà HOÀNG THỊ BÍCH PHƯƠNG, quận Cầu Giấy, Hà Nội: “Người ta đổ rác thì chúng tôi ở đây đã 5 lần 7 lượt phải thuê người hót. Mỗi người đóng tiền vào để hót bãi rác này đi nhưng cuối cùng nó vẫn cứ tồn tại. Cứ hót lại đầy, hót đi lại đầy.”
Trên thực tế, vẫn còn nhiều những bãi rác tự phát xuất hiện ngay giữa lòng Thủ đô. Điều người dân mong mỏi nhất lúc này là sự vào cuộc của cơ quan chức năng để họ không còn phải sống trong cảnh ô nhiễm mỗi ngày.
Thực hiện : Thảo Nguyên Minh Chiến