Không ấn định giá để tạo cạnh tranh hạ giá bán sách giáo khoa

Đối với dự án Luật Giá (sửa đổi), Tờ trình của Chính phủ đề xuất bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa Nhà nước định giá. Trong khi đó, thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa; không ấn định giá, để các đơn vị phát hành sách giáo khoa quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh.

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Chính phủ đề nghị bổ sung 2 mặt hàng do Nhà nước định giá gồm: Sách giáo khoa (SGK) và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp lĩnh vực này sản xuất. Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, SGK là mặt hàng thiết yếu. Giá SGK có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đồng tình với đề xuất của Chính phủ, đồng thời đề nghị giao Bộ GD-ĐT quy định giá trần. Tuy nhiên cần đảm bảo tính thị trường, cạnh tranh.

Ông NGUYỄN ĐẮC VINH - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội: “Về lâu dài, chúng tôi mong muốn Bộ Giáo dục Đào tạo, với chức trách của cơ quan quản lý nhà nước, nên xây dựng một bộ SGK của bộ, ngành giáo dục và dùng chính bộ sách là yếu tố đảm bảo điều kiện tối thiểu cho học sinh và chính là dùng bộ sách đó để dẫn dắt giá thì hay hơn là việc chúng ta phải đi quy định giá cho tất cả bộ sách.”

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, những mặt hàng đưa vào định giá để quản lý bảo vệ lợi ích chung của nền kinh tế, bảo vệ lợi ích của nhân dân, của người tiêu dùng cũng như đảm bảo cho việc phát triển một cách hài hòa hợp lý.

Ông HỒ ĐỨC PHỚC - Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Tại sao SGK lại đưa vào? Cả 1 nghị quyết đã đưa ra, diễn đàn của Quốc hội cũng đã biết rõ rồi, SGK mỗi nơi một giá, sẽ ảnh hưởng lớn đến đại đa số là người nghèo nên cần có sự hỗ trợ điều chỉnh của nhà nước. Đợt này, chúng ta đưa vào trong vấn đề định giá.”

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra, để khẩn trương hoàn chỉnh dự án luật. Ủy ban Tài chính Ngân sách hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ hợp thứ 4.

Hải Yến