• 2391 lượt xem
  • 02:15 22/06/2022
  • Kinh tế

Không cần quan tâm đến lỗ lãi của đường sắt Cát Linh mà phải thấy đó là công trình phục vụ lợi ích Thủ đô và người dân

160 tỉ đồng là số lỗ lũy kế khi vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vừa được Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) nêu ra tại báo cáo tài chính của đơn vị này. Tuy nhiên, với phương tiện giao thông công cộng, liệu con số này có nói lên đúng thực trạng?

Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đường sắt đô thị là lĩnh vực dịch vụ nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng đi lại. Do vậy, đối với lĩnh vực vận tải này, thu từ vé luôn không đủ bù đắp chi phí. 

Hiện nay, các nước có hệ thống giao thông công cộng hàng đầu thế giới như Hàn Quốc, Singapore, Anh đều có mức trợ giá nhất định cho các phương tiện này. Điển hình như Hàn Quốc chính quyền Seoul đang chi khoảng 200 triệu USD/năm để bù lỗ cho hệ thống xe buýt. Còn tại Anh, năm tài khoá 2019-2020, hệ thống giao thông công cộng ở London cũng lỗ 4.3 tỉ bảng Anh (5.25 tỉ USD), trong đó chính phủ tài trợ 3.4 tỉ bảng.

Ông BÙI DANH LIÊN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội: “Chúng tôi cho rằng việc hạch toán tính từng năm từng tháng với công trình thế kỷ như thế mà hạch toán lỗ lãi trong thời gian ngắn như thế là không hợp lý. Chúng tôi nghĩ rằng, người dân không cần quan tâm đến lỗ lãi của đường sắt Cát Linh mà phải thấy đó là công trình phục vụ lợi ích của Thủ đô và công trình đó đưa lại thiết thực cho người dân. Trên cơ sở đó để phát huy đầu tư các tuyến đường khác cho Thủ đô”.

Quay trở lại câu chuyện của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, hiệu quả toàn tuyến hiện nay không phải dựa trên doanh thu mà dựa trên tác dụng giúp giảm tải giao thông, chống ùn tắc và giảm ô nhiễm môi trường. Theo số liệu báo cáo, đến nay, tuyến đã chạy hơn 45.000 chuyến, vận chuyển trên 3,7 triệu lượt hành khách, bình quân mỗi ngày đạt 16,5 nghìn hành khách. Hiện công ty đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để thành phố đặt hàng cho tuyến Cát Linh - Hà Đông 2 tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022.

Ông NGUYỄN VĂN NGỌC, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội: “Số liệu báo cáo tài chính của công ty như báo chí đã nêu là chuẩn xác. Tuy nhiên, đây là số liệu tạm thời chưa có trợ giá của Nhà nước. Sau khi đặt hàng, trợ giá của Nhà nước không chỉ bù đắp phần thiếu hụt giữa doanh thu và chi phí hợp lý hợp lệ mà còn có cả lãi định mức theo quy định.”

Hệ thống giao thông công cộng tuy không mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp, thậm chí thua lỗ, nhưng nó lại mang lại lợi ích kinh tế và xã hội gián tiếp, nó tối đa hoá lợi ích của toàn xã hội. Hy vọng rằng chúng ta sẽ có những nhìn nhận đúng về vấn đề này.

Khánh Hoàng