Không để vỏ là đô thị nhưng kết cấu, kinh tế là nông thôn

Trong chiều 13/02, dưới dự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về các Đề án thành lập đơn vị hành chính đô thị và điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính tại 10 tỉnh: Bình Dương, Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk và Trà Vinh.

Theo tờ trình của Chính phủ, đề nghị thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương; 3 thị xã Thuận Thành và Quế Võ thuộc tỉnh Bắc Ninh, Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang; 34 phường thuộc thành phố, thị xã của các tỉnh Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc và 11 thị trấn thuộc các huyện của các tỉnh An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk; nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và việc điều chỉnh địa giới của 2 ĐVHC cấp xã của tỉnh Trà Vinh.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật cũng như các ý kiến của thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ tán thành với đề xuất của Chính phủ. Việc thành lập 4 ĐVHC đô thị cấp huyện và 45 ĐVHC đô thị cấp xã tại 9 tỉnh nêu trên sẽ làm tăng tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc lên thêm 0,47%, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt tối thiểu 45% theo yêu cầu tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Giải đáp băn khoăn về có hay không những vướng mắc của người dân trong việc tiến hành điều chỉnh các thủ tục hành chính, đơn cử như vấn đề về căn cước công dân khi thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính tại 10 tỉnh, lãnh đạo Bộ Công an khẳng định, sẽ không có khó khăn, vướng mắc gì.

Đại diện các địa phương cũng cho biết, việc thành lập các đơn vị hành chính đô thị là quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ, có lộ trình của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương. Trên cơ sở ý kiến và các đề xuất của các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các địa phương sẽ làm quyết liệt.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chủ trương phát triển đô thị ở nước ta chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay, trong đó lấy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đô thị, nông thôn làm nền tảng. Nêu rõ, 3/4 động lực tăng trưởng trên thế giới đến từ đô thị, kinh tế đô thị. Vì vâỵ trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã chính thức đưa nội dung này vào văn kiện. Lần đầu tiên Bộ chính trị cũng đã ban hành nghị quyết 06 về phát triển bền vững đô thị. Do đó việc điều chỉnh, nâng cấp các đơn vị hành chính là yêu cầu tất yếu. Bởi mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao năng lực phục vụ người dân.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, tới đây sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong việc hoàn thiện kế hoạch triển khai thực hiện các đề án, củng cố các tiêu chí theo hướng bền vững; tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các địa phương có kế hoạch nâng cao chất lượng đô thị sau khi được thành lập; tránh việc lấy lý do vì có các ĐVHC mới được thành lập để không thực hiện việc tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính, đặc biệt là những địa phương có số lượng ĐVHC cần sắp xếp khá lớn. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương bố trí kinh phí, thực hiện phát triển đô thị, theo định hướng của Đảng, quy định pháp luật nhà nước. Đồng thời cập nhật nơi cư trú tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo an ninh trật tự của địa phương.

Tại phiên họp, 100% các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã biểu quyết tán thành thông qua 10 Nghị quyết về thành lập đơn vị hành chính đô thị và điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính tại 10 tỉnh.

Thùy Linh