Không đợi Chính phủ, Quốc hội và UBTVQH đã chủ động yêu cầu trình những vấn đề quốc kế, dân sinh - kinh nghiệm năm 2022

Tiếp tục phiên họp thứ 16, sáng 11/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Cần phân tích, làm rõ hơn về bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế là một trong những nội dung được các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề cập.

Bất chấp nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng có chiều hướng suy giảm, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 – 2022, nhất là Quý III tăng 13,67%, đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế.

Các thành viên uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng trong bối cảnh chưa có tiền lệ, nhưng Quốc hội, Chính phủ cùng với các cấp, các ngành chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Đặc biệt, Quốc hội đã chủ động trong việc tạo hành lang pháp lý cho Chính phủ thực hiện như ban hành Nghị quyết 30 hay Nghị quyết 43 về phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch và và những nội dung liên quan kinh tế - xã hội.

ÔNG BÙI VĂN CƯỜNG - Tổng Thư ký Quốc hội: “Nếu như trước đây, thông thường phải đợi Chính phủ trình sang rồi Quốc hội mới xem xét thì nay có những vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh, đến phục hồi phát triển kinh tế, những vấn đề thực tiễn nổi lên thì Quốc hội đã chủ động có những văn bản để đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định theo đúng thẩm quyền. Như trong vấn đề xăng dầu, chúng ta đã rất kịp thời, trách nhiệm để cùng Chính phủ tháo gỡ".

Nhìn vào những kết quả phục hồi kinh tế khá ấn tượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị nhấn mạnh thêm về bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh và thực hiện mục tiêu kép. Cần làm rõ hơn sự lãnh đạo của Đảng; sự tham gia của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vai trò của từng đại biểu, của Đoàn đại biểu Quốc hội, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội trước đất nước.

Ông NGUYỄN KHẮC ĐỊNH - Phó Chủ tịch Quốc hội: “Trong xây dựng thể chế, lần đầu tiên là Quốc hội bố trí một kỳ họp bất thường để thông qua Nghị quyết về kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế; quyết định kế hoạch đầu tư công; dùng 1 luật sửa 9 luật và các luật đó đi vào thực hiện và có tác dụng ngay. Hay như trong giám sát, Chính phủ rất đồng thuận và Quốc hội đã rất tăng cường giám sát".

Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Trong thời gian qua, Quốc hội đã tháo gỡ cho rất nhiều vấn đề nhất là ban hành luật sửa 9 luật hay cho các cơ chế đặc thù; các thủ tục cơ bản hoàn thành để chuẩn bị khởi công các dự án quan trọng quốc gia, chương trình phục hồi, chương trình mục tiêu quốc gia. Chắc chắn những tháng cuối năm và sang năm 2023 tình hình giải ngân sẽ có những cải thiện mạnh mẽ hơn."

Đánh giá cao chất lượng báo cáo, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ cần làm rõ và phân tích sâu hơn về nguyên nhân và bài học, làm tiền đề trong điều hành kinh tế giai đoạn tiếp theo.