• 1241 lượt xem
  • 04:07 12/09/2022
  • Xã hội

Không lãng phí tài sản công sau sáp nhập - Bài học từ Quảng Ninh

Sau hơn 2 năm thực hiện sáp nhập, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã hoạt động ổn định, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra, tạo sự tin tưởng, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Sau sáp nhập, các địa phương đã tích cực có phương án xử lý một số tài sản nhà, đất dôi dư, đấu giá để có kinh phí tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ bản, chuyển đổi công năng phục vụ mục đích công cộng.

Đây là năm học thứ 3, thầy và trò trường THPT Hoành Bồ đón năm học mới trên ngôi trường được xây dựng, cải tạo từ trụ sở của Huyện ủy Hoành Bồ trước sáp nhập vào thành phố Hạ Long...

Cô NGUYỄN THỊ ĐỊNH, Hiệu trưởng Trường THPT Hoành Bồ, Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh: "Đây là một niềm vui lớn vì trường có diện tích trên 3ha, gấp 4 lần so với trường cũ, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về cơ sở vật chất để dạy và học trong tình hình mới, đặc biệt là việc bộ giáo dục và đào tạo đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Thầy trò chúng tôi có niềm tự hào vì ngôi trường được xây dựng trên nền trụ sở Hoành Bồ, gắn với những giá trị lịch sử văn hoá của cả một vùng đất, chúng tôi xác định trách nhiệm nhà trường trong giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá lịch sử đó, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện."

Không chỉ trụ sở Huyện Uỷ Hoành Bồ được chuyển đổi công năng sang làm trường học, mà, thành phố Hạ Long đã điều chuyển nhà đất của UBND huyện Hoành Bồ cũ cho UBND phường Hoành Bồ tiếp nhận, sử dụng.

Ông NGUYỄN TIẾN DƯƠNG, Phó Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Quảng Ninh: "Quảng Ninh chúng tôi đã có chủ động, ngay từ đầu đã có chỉ đạo để kiểm kê tài sản, có kế hoạch sử dụng nhà đất, sử dụng tài sản dôi dư này để tránh xuống cấp, lãng phí".

Khảo sát tại tỉnh Quảng Ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, những kết quả đạt được là do tỉnh Quảng Ninh làm tốt công tác chuẩn bị từ sớm, nên ngay khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã triển khai thực hiện ngay, tạo ra những chuyển biến và có được niềm tin của nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: "Đúng là đưa miền núi tiến kịp miền xuôi. Miền núi bây giờ tự tin xuống phố đóng góp, làm công nhân, mang tiền về chăm sóc con cháu. Con cháu cũng được học hành, y tế được quan tâm, điều kiện an sinh xã hội mọi thứ đều tốt."

Sau khi sắp xếp, tỉnh Quảng Ninh giảm 1 đơn vị cấp huyện, từ 186 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 177 đơn vị, với sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của cử tri, nhân dân, tổng thu ngân sách nhà nước tại các đơn vị sau sắp xếp đều tăng so với thời điểm trước khi sáp nhập, giúp tiết kiệm kinh phí hơn 80 tỷ đồng.

Thùy Linh