Không nên quy định cứng tiêu chí danh hiệu Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang

Đã là liệt sỹ thì không thể tính tháng, tính ngày và sự hy sinh về xương máu, tính mạng là sự hy sinh cao nhất do vậy khi thảo luận về điều kiện xem xét hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” trong dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị không nên quy định chặt chẽ về điều kiện tặng thưởng.

Một số đại biểu cho rằng nhiều trường hợp tham gia thanh niên xung phong thời gian ngắn nhưng thành tích cống hiến cao. Dẫn chứng trường hợp liệt sỹ Trần Thị Rạm, một trong 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, tham gia thanh niên xung phong chưa được 1 năm, nếu theo quy định như dự thảo luật sẽ không được truy tặng danh hiệu Thanh niên xung phong vẻ vang, do vậy đại biểu Đỗ Thị Lan đoàn Quảng Ninh cho rằng quy định cứng như vậy là chưa phù hợp thực tiễn.

Bà ĐỖ THỊ LAN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: “Theo tôi, không nên quy định quá cứng mà nên linh hoạt về thời gian tham gia thanh niên xung phong, về các điều kiện công nhận, tặng, truy tặng huy hiệu, huy chương Thanh niên xung phong. Có thể có quy định riêng cho những trường hợp đặc biệt, có sự đóng góp, cống hiến, thành tích lớn. Tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giảm điều kiện tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang tham gia kháng chiến tại khoản 2 Điều 95 của dự thảo

Bà NGUYỄN THỊ KIM ANH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh: Sự đóng gón, hy sinh cương máu của lực lượng thanh niên xung phong trong hai cuộc sáng chiến là rất lớn. Nếu lấy năm phục vụ liên tục để xét tặng, truy tặng thì thực sự chưa ghi nhận những đóng góp của lực lượng này. Tôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra cân nhắc xem xét đối với quy định này theo hướng xem xét có công lao đóng góp lớn, nổi bật làm căn cứ, tiêu chuẩn xem xét khen thưởng."

Theo các đại biểu, sự hy sinh về xương máu, tính mạng là sự hy sinh cao nhất, không nên quy định chặt chẽ về điều kiện tặng thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang với nhóm đối tượng này.

Ông VŨ TRỌNG KIM, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định: “Đối với những đồng chí đã hy sinh được Nhà nước công nhân là liệt sĩ thì không nên tính thời gian đầy đủ, đã là liệt sỹ không nên tính tháng, tính ngày nữa.

Bà ĐOÀN THỊ HẢO, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: “Đội Thanh niên xung phong đã thành lập cách đây 72 năm. Đây là vấn đề lịch sử vì vậy đề nghị không nên quy định tiêu chuẩn quá cao về thời gian tại ngũ để truy tặng. Đối với thanh niên xung phong tham gia thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhất là những thanh niên xung phong đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ được công nhận liệt sỹ.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tham gia Chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Ông NGUYỄN TẠO, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: “Tôi tha thiết đề nghị bổ sung lực lượng thanh niên xung phong tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Lực lượng này chúng ta cần cập nhật để đưa vào.”

Ông TẠ VĂN HẠ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Ngoài lực lượng thanh niên xung phong tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, lực lượng ở Tây Nguyên thì lực lượng tham gia hàn gắn vết thương sau năm 1954 - hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là lực lượng cũng xứng đáng được nhận huy chương này.

Phát biểu giải trình tại phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, được đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm. Cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu và trên tinh thần chỉ đạo chung của Bộ Chính trị cũng như Bộ sẽ tiến hành tổng kết thành tích kháng chiến, với ý nghĩa sâu sắc nhất là” đến ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”.

Diệu Huyền