Kích cầu thị trường trong nước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Phát biểu về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022, đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, đằng sau cộng đồng doanh nghiệp là người lao động và các gia đình, của người dân nói chung

Phát biểu về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, đằng sau cộng đồng doanh nghiệp là người lao động và các gia đình, của người dân nói chung. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường chỉ là phần nổi của tảng băng, các doanh nghiệp đang hoạt động cũng gặp phải khó khăn chồng chất. Đây chính là phần chìm của tảng băng, rất cần được quan tâm, tháo gỡ.

Đại biểu cho biết, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là thị trường, thị trường khó khăn dẫn đến tồn kho gia tăng, thiếu khả năng thanh khoản, nợ tăng cao, gây tác động dây chuyền lớn. Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, cần sử dụng một biện pháp quan trọng là giảm thuế, thúc đẩy thị trường phát triển.

Đại biểu cho rằng, hiện nay, thị trường thế giới đang khó khăn, nên việc tác động vào thị trường xuất khẩu cũng gặp nhiều thách thức, các biện pháp xúc tiến thương mại, đầu tư, mở mang thị trường sẽ không có nhiều tác dụng. Thị trường chúng ta có thể tác động được là thị trường trong nước. Trong những tháng qua, dù thị trường có tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ, tuy nhiên, vẫn còn trong xu thế suy giảm. Kích cầu thị trường trong nước là giải pháp quan trọng. Giảm thuế giá trị gia tăng sẽ vừa giúp khoan sức dân, làm người tiêu dùng bớt khó khăn, đồng thời tác động ngay vào thị trường của các doanh nghiệp.

Về ngân sách nhà nước, đại biểu cho rằng có điều kiện thuận lợi để thực hiện chính sách này, thậm chí với quy mô rộng hơn. Đánh giá cao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc quản lý thời gian qua, đại biểu cho rằng, dư địa chính sách tài chính cho đến nay còn rất nhiều, do vậy, cần mở rộng chính sách tiền tệ để yểm trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.