Gói 350.000 tỷ đồng: Kiểm soát để dòng tiền không lệch hướng

Trong dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đề xuất để Quốc hội xem xét gói phục hồi, phát triển kinh tế hơn 350 nghìn tỷ và thực hiện trong 2 năm (2022-2023). Nhiều đại biểu cho rằng các giải pháp gói phục hồi, phát triển kinh tế đang tập trung chủ yếu vào hạ tầng, chưa tập trung quan tâm đến an sinh xã hội….

Gói phục hồi và phát triển kinh tế có tổng quy mô hỗ trợ đến hơn, nhưng thực tế phần lớn đều nằm trong các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn thuế. Phần tiền mặt tức nguồn lực mới chỉ khoảng chừng 176.000 tỷ đồng. Với khoản tiền không quá lớn này trong 2 năm, bên cạnh việc đầu tư phục hồi những lĩnh vực bị tác động của đại dịch như: du lịch, vận tải, logistic, nhà ở công nhân…thì cần hạn chế nguồn tiền đầu tư cho những dự án chưa thực sự cần thiết ở thời điểm này.

Ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Có những dự án chưa thể kết thúc trong vòng 2 năm, có thể kéo dài thì rõ ràng là trong bối cảnh nguồn lực ít mà đầu tư dự án đấy sẽ bị phân tán nguồn lực cho phục hồi. Trong 176.000 tỷ thì giao thông đã sử dụng đến 103.000 tỷ, tức là chiếm đa số. Giao thông là quan trong nhưng những khâu nào mang tính chất điểm thắt, điểm nút để mở ra chứ không phải tất cả các dự án giao thông đều được đưa vào chương trình phục hồi.”

Việc Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ được coi là phù hợp trên cả 2 phương diện là khả năng hấp thụ của nền kinh tế và năng lực, sức chịu đựng của ngân sách nhà nước. Nhiều đại biểu cho rằng, gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đủ lớn để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tuy nhiên định hướng dòng tiền vào đâu chính là thách thức lớn nhất và phải tổ chức thực hiện thật minh bạch, tăng cường sự kiểm soát, chống tiêu cực, phải đúng đối tượng, trúng tiêu chí.”

Bà Nguyễn Thị Phú Hà - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: “Quan trọng làm sao cho trúng đối tượng, nghĩa là đưa 1 đồng vào nhưng sau đó hỗ trợ được người dân, doanh nghiệp và quay lại nhận được cao hơn. Chúng ta có thể giảm thuế thời gian này, nó có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhưng trong tương lai nhờ giảm thuế nên kích thích tiêu dùng, kích thích sản xuất kinh doanh, từ đó quay lại nguồn thu bền vững hơn. Chúng tôi thấy quan trọng nhất là lựa chọn đối tượng, tiếu chí để làm sao xác định được phục hồi kinh tế bền vững nhất”.

Ông Nguyễn Hoàng Mai - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang: “Cần nghiên cứu và bổ sung đánh giá xem sau chuỗi sản xuất của ta xem đứt gãy ở đâu thì ưu tiên tập trung nguồn lực vào đó bên cạnh một số ngành lĩnh vực trong giai đoạn qua gần như bị tê liệt thì chắc chắn phải có hỗ trợ để phát triển phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của lĩnh vực đó. Phải bảo đảm lưu thông hàng hóa, nghiên cứu để có gói hỗ trợ để tiêu thụ được sản phẩm nếu trong trường hợp chưa lưu thông được hàng hóa thì phải có hỗ trợ để bảo quản logictic trong nước đặc biệt là hàng hóa nông sản”.

Điều mà nhiều đại biểu băn khoăn khi gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ được Quốc hội bấm nút thông qua, đó là nguồn tiền sẽ bị đầu cơ, dễ dẫn đến lạm phát, nợ xấu. Nếu không có biện pháp kiểm soát tốt thì các gói hỗ trợ sẽ lệch hướng, hiệu quả hạn chế, thậm chí có thể gây ra đảo lộn kinh tế vĩ mô. 

Ông Nguyễn Hải Nam - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế: “Chúng ta cần phải hỗ trợ đúng đối tượng. Nghĩa là dòng vốn không vào đầu cơ mà đi thực chất vào trong sản xuất kinh doanh. Nhiều cuộc hội thảo của các chuyên gia đã tập trung mạnh vào đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ các nút thắt về cải cách hành chính và thể chế, đặc biệt xuyên suốt là vẫn phải tránh hai rủi ro: lạm phát cũng như rủi ro về nợ xấu. 

Các chính sách tài khóa, tiền tệ được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường được kỳ vọng là các giải pháp được thiết kế và thực thi nhanh, kịp thời, hấp thụ tối đa nguồn lực, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Hôm nay, 7/1, Quốc hội dành gần một ngày để thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội./.