• 4092 lượt xem
  • 16:05 11/06/2022
  • Kinh tế

Kiên Giang: Biến những điều kiện bất lợi thành cơ hội nhờ Mô hình tôm - lúa

Thiên tai, biến đổi khí hậu là những vấn đề có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp, vì thế cần phải có những giải pháp căn cơ để xây dựng một nền nông nghiệp thích ứng, tức là phải tìm ra những mô hình thích hợp, biến những điều kiện bất lợi thành cơ hội để phát triển.

Tại Kiên Giang, mô hình tôm – lúa xen canh đang được xem là hướng đi đúng đắn cho địa phương luôn phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu, nhất là việc xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp.

Chịu thiệt hại nặng nề từ tình trạng xâm nhập mặn nên Kiên Giang là một trong những tỉnh sớm nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long  mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa thâm canh sang mô hình tôm - lúa. Năm 2017, toàn tỉnh chỉ có 6,5ha sản xuất tôm - lúa, đến nay diện tích này đã tăng lên con số 1.230ha.

Ông HUỲNH PHI LƠ - Xã Hưng Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang: “Qua chuyển đổi thì thấy làm 1 vụ tôm 1 vụ lúa hiệu quả hơn nhiều so với 2 vụ lúa.”

Ông LÊ HỮU TOÀN - PGĐ Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang: “Xâm thực mặn trước đây chúng tôi như thiên tai, giờ chúng tôi xem như là tài nguyên. Từng bước thích ứng với xâm thực mặn để chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả.”

Trồng lúa xen canh con tôm tưởng chừng là chuyện không thể nhưng đã trở hành định hướng của tỉnh Kiên Giang trong việc phát triển nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục được điểm yếu, nâng cao được nâng suất, thu nhập.

Ông NGUYỄN VĂN TÙNG - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang: “Nông dân rất yên tâm giá vì đã có công ty bao tiêu. Tôm cũng thuận lợi hơn. Hướng tới huyện sẽ mở rộng mô hình tôm lúa hữu cơ này, càng nhiều càng tốt.”

Mặc dù được nhìn nhận là mô hình thích ứng tốt với tình trạng xâm nhập mặn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên việc xen canh con tôm và cây lúa còn gặp một số bất cập, khó khăn về khâu tổ chức sản xuất, kỹ thuật và vấn đề xử lý môi trường. 

Ông LÊ QUỐC THANH - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: “Nếu như chúng ta không có những giải pháp phát triển bền vững, liên quan đến xử lý môi trường thì đây là những vấn đề lớn chúng ta phải xử lý trong tương lai.”

Để mô hình tôm - lúa tiếp tục phát triển hiệu quả và bền vững, rất cần những chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, đưa các ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào canh tác, đặc biệt để các địa phương liên kết tạo vùng nguyên liệu lớn liên tỉnh, gắn với cánh đồng lớn, cùng nhau xây dựng được thương hiệu tôm - lúa.

Trung Hiếu