Kiến nghị có cơ chế đặc biệt với dự án hồ chứa nước Ka Pet

Việc tạo cơ chế đặc biệt cho tỉnh Bình Thuận sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Hồ Ka Pet, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm gia tăng tình trạng hạn hán như hiện nay cũng như đảm bảo thời gian thực hiện dự án đến năm 2025.

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu trong Hội nghị Thẩm tra sơ bộ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận do Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức chiều 9/3.  

Có thể thấy mới đầu tháng 3 nhưng tình hình khô hạn đã bắt đầu diễn ra tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Trong khi đó, dự án hồ chứa nước Ka Pét dung tích chứa hơn 51 triệu m3, được xác định là công trình thủy lợi đa mục tiêu, sẽ giải quyết nước tưới cho 7.700 ha đất khô hạn của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như cấp nước cho các khu công nghiệp, giải quyết nước sinh hoạt cho người dân của huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết vẫn chưa thể triển khai do chi phí đầu tư dự án tăng thêm gần 300 tỷ đồng. Tại Hội nghị thẩm tra sơ bộ, tỉnh Bình Thuận kiến nghị Quốc hội sớm thông qua chủ trương điều chỉnh dự án hồ Ka Pét, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với các dự án nhóm B, đồng thời cam kết việc để địa phương lập, thẩm định và phê duyệt Dự án sẽ đẩy nhanh tiến độ Dự án.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc tạo cơ chế đặc thù sẽ giúp dự án triển khai nhanh hơn bởi việc chờ Trung ương phê duyệt sẽ có độ trễ nhất định.

Theo Nghị quyết 93/2019/QH 14, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, tỉnh Bình Thuận đã bổ sung thêm ngân ngân sách địa phương cho dự án, kiến nghị Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ủng hộ cho các địa phương khó khăn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và môi trường Lê Quang Huy cũng đề nghị Chính phủ cần phải có kế hoạch, phương án cụ thể để thực hiện cơ chế đặc biệt, đảm bảo tính khả thi nếu được Quốc hội thông qua, đồng thời chia sẻ với khó khăn của tỉnh Bình Thuận do ảnh hưởng khô hạn, thiếu nước ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. 

Bích Hạnh