Kiến nghị Kiểm toán Nhà nước về đất đai chưa được giải quyết dứt điểm

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước trong 3 năm (từ 2019 - 2021) chỉ ra những tồn tại, hạn chế, sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai được phát hiện, kiến nghị xử lý khá nhiều.

Song, tình trạng này đang lặp đi lặp lại qua các năm và điều này cho thấy hiệu quả của việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về lĩnh vực đất đai chưa cao và không được xử lý hoặc giải quyết dứt điểm được. Đây là vấn đề được nêu tại Hội thảo “Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và những vấn đề đặt ra với Kiểm toán Nhà nước,” diễn ra vào sáng 21/12. 

Kiểm toán Nhà nước cho biết, tại các cuộc kiểm toán chuyên đề về lĩnh vực đất đai, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều lỗ hổng, ngoài kiến nghị xử lý tài chính, còn kiến nghị về việc tuân thủ quy định pháp luật. Hiện Kiểm toán Nhà nước từng bước đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đất đai nhưng cũng mới dừng ở việc đánh giá việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước mà chưa đi sâu kiểm tra, phân tích đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và hiệu lực đối với hoạt động quản lý, sử dụng đất đai

Theo Giáo sư, Tiến si Đoàn Xuân Tiên, nguyên Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, các nguyên nhân cơ bản thuộc về cơ chế chính sách pháp luật và thực thi pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai bất cập, chồng chéo.

Giai đoạn 2013 đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ 21 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Trung ương ban hành. Các đại biểu cho rằng, Kiểm toán Nhà nước cần tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định về đất đai ngay từ khi khi Luật Đất đai đang được sửa đổi, bổ sung; tham gia hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan để đồng bộ với Luật Đất đai.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, Kiểm toán Nhà nước cần chủ động xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn, hàng năm, từng cuộc kiểm toán liên quan đến lĩnh vực đất đai, xác định mục tiêu kiểm toán phù hợp, sát với yêu cầu thực tiễn cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng. Trong đó, cần xác định nội dung, phạm vi, đối tượng kiểm toán sát và phù hợp với mục tiêu kiểm toán, tập trung vào những phạm vi rủi ro dễ nảy sinh lạm quyền, lợi dụng quyền lực trong công tác quy hoạch, phân bổ nguồn lực đất đai, kế hoạch sử dụng, trong công tác quản lý và sử dụng đất đai lãng phí, kém hiệu quả.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thế Anh