Điểm báo ngày 5/03: Kiên trì tạo thuận lợi, thông quan hàng nhanh nhất tại biên giới phía Bắc

Kiên trì tạo thuận lợi, thông quan hàng nhanh nhất tại biên giới phía Bắc; Sách giáo khoa mới: Có hay không tiêu cực trong quá trình thẩm định, phát hành?; Bộ xét nghiệm có là hàng thiết yếu?; Hà Nội khuyến cáo du khách cảnh giác khi đặt tour... là những tin tức đáng chú ý đăng trên các báo ra ngày 5/03/2022.

Kiên trì tạo thuận lợi, thông quan hàng nhanh nhất tại biên giới phía bắc

Câu chuyện ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu ở biên giới phía Bắc vẫn đang “nóng” hơn bao giờ hết. Trước thực trạng này, trên Thời báo Tài chính Việt Nam có bài viết “ Kiên trì tạo thuận lợi, thông quan hàng nhanh nhất tại biên giới phía Bắc”.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nay, lượng xe ùn tắc nhiều nhất nằm ở 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc khó khăn trong thông quan hàng hóa ở khu vực biên giới phía Bắc tiếp tục được nhận định là do chính sách kiểm soát và phòng, chống dịch của Trung Quốc. Cũng theo bài viết, Tổng Cục Hải quan đang phối hợp nghiên cứu, xây dựng “vùng an toàn dịch bệnh” ở khu vực cửa khẩu biên giới, với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa và đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

 Một góc nhìn khác trong câu chuyện này, bài viết trên báo Lao động trích dẫn ý kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nhìn lại cách đây 3 - 4 năm, cũng có tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu dù không nặng nề như thời điểm mới đây. Và đến khi xảy ra câu chuyện ùn ứ nông sản, ùn ứ hàng hoá tại các cửa khẩu, chúng ta lại nháo nhào tìm nguyên nhân. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận, cách làm kinh tế nông nghiệp của chúng ta vẫn "mù mờ" đầu cung và cầu, không đi vào quỹ đạo, đôi khi giống như đi buôn chuyến nhiều hơn là hợp tác bài bản, kết nối cung cầu. Tất cả những điều đó dẫn tới nền kinh tế nông nghiệp đánh cược vào sự may rủi của thị trường.

Sách giáo khoa mới: Có hay không tiêu cực trong quá trình thẩm định, phát hành?

Nhìn nhận về vấn đề này, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, hiện nay nhiều đơn vị đua nhau làm sách giáo khoa (SGK) dẫn tới cuộc cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh đó, người đứng đầu các địa phương được quyền đưa ra quyết định cuối cùng lựa chọn, sử dụng sách phù hợp với tình hình địa phương chứ không phải giáo viên-những người dạy học trực tiếp. Cũng theo bài viết, Cơ quan quản lý cần làm rõ trách nhiệm và có chế tài xử lý về những sai sót trong SGK. Bên cạnh đó, cần phải thay đổi cơ chế trong việc lựa chọn, thẩm định SGK. Có thể thời gian đầu triển khai chương trình mới còn vội vã nhưng đến thời điểm này sau 2 năm, ngành giáo dục phải có kế hoạch, thực nghiệm, xem xét kỹ lưỡng về vấn đề SGK.

Bộ xét nghiệm là hàng thiết yếu?

Chưa rõ khi nào COVID-19 được xem là bệnh đặc hữu, nhu cầu xét nghiệm có giảm đi hay không nhưng từ nay đến đó, nếu không làm gì đó, người dân còn phải chi đậm cho vụ xét nghiệm.

Cần nhắc lại, các biện pháp của Bộ Y tế như yêu cầu tăng nguồn cung (doanh nghiệp tăng sản xuất, nhập khẩu thêm), giảm cầu, chưa giúp hạ nhiệt thị trường. Các chỉ đạo kiểm tra, xử lý trường hợp găm hàng, đẩy giá bộ xét nghiệm, cũng chưa tìm ra "đương sự" để xử lý. Doanh nghiệp và người dân gọi tên bộ xét nghiệm là hàng thiết yếu. Vậy bao giờ mặt hàng này mới được ghi tên vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá!?.

Hà Nội khuyến cáo du khách cảnh giác khi đặt tour

Người dân, du khách, các đơn vị, tổ chức cần chủ động lựa chọn các sản phẩm, chương trình du lịch của các tổ chức, doanh nghiệp có đầy đủ các điều kiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, các thông tin về pháp nhân, trụ sở hoạt động kinh doanh. Các thông tin này cũng được đăng tải trên trang website của Sở Du lịch Hà Nội như: Thông tin về các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.  Trước đây, tại Hà Nội đã xảy ra không ít trường hợp du khách bị lừa mua combo du lịch giá rẻ hoặc mua tour, dịch vụ du lịch không đúng như cam kết.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam