Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng bền vững

Sáng 23/9, tại nhà Quốc hội, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đã tổ chức hội thảo với chủ đề: “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia”.  Hội thảo có sự tham gia của đông đảo đại diện các cơ quan, bộ ngành, các tổ chức, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các đại biểu cho rằng, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 và để đạt được mục tiêu này, việc phát triển năng lượng tái tạo được coi là trọng tâm trong chiến lược chuyển đổi xanh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận về: tổng quan ngành năng lượng Việt Nam; thực trạng tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam; hiện trạng triển khai chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực này và phương hướng trong thời gian tới; giải pháp bảo đảm an ninh cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững…

Đại diện Đại sứ quán một số quốc gia, vùng lãnh thổ và đại diện một số tổ chức tài chính quốc tế tại Việt Nam cũng đã chia sẻ về tình hình phát triển năng lượng và kinh nghiệm phát triển cũng như đối phó với khủng hoảng năng lượng, khuyến nghị cho Việt Nam các chính sách phát triển năng lượng bền vững, đồng thời bày tỏ mong muốn được tham gia vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Ông JONATHAN COLE, Tổng Giám đốc Công ty Corio Generation: "Chúng tôi đang phát triển các hoạt động đầu tư các dự án gió ngoài khơi trên toàn cầu. Ngay tại Việt Nam chúng tôi đang phát triển dự án hơn 4.000 megawatt dự án ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam. Dự án của chúng tôi ở Việt Nam rất quan trọng để giúp Việt Nam đạt được tham vọng về khí hậu, sẽ giúp loại bỏ 5 triệu tấn khí carbon khỏi khí quyển, cũng như giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng và tạo việc làm. Do đó chúng tôi rất mong muốn hợp tác với chính phủ Việt Nam và các cơ quan liên quan để giúp đạt được tham vọng về năng lượng".

Các đại biểu nhấn mạnh, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo dồi dào nhất trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, Việt Nam cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo. Bởi vậy, có ý kiến đề nghị, Việt Nam cần xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho năng lượng tái tạo nói chung, trong đó có năng lượng gió ngoài khơi; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ từ năng lượng tái tạo; tiếp tục nghiên cứu, ban hành và triển khai các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam.

Vân Hương