Kon Tum đưa cồng chiêng vào giảng dạy trong trường học

Thời gian qua, ngành GD&ĐT TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum luôn chú trọng các hoạt động trong trường học gắn với việc dạy cồng chiêng, múa xoang cho học sinh tại các trường có đông học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào và nâng cao ý thức trong học sinh người dân tộc thiểu số về giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đây là một buổi học cồng chiêng của thầy trò trường trường tiểu học Phùng Khắc Khoan, tại xã Ia Chim, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Những nhịp điệu của cồng chiêng vang lên một cách nhộn nhịp và lôi cuốn người nghe. Có thể nói văn hóa cồng chiêng, múa xoang được xem như “linh hồn” của các thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Nhằm bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum đã chú trọng việc đưa cồng chiêng, múa xoang vào trường học để giúp thế hệ trẻ quan tâm hơn đến văn hóa, nghệ thuật truyền thống.

Với xu thế hội nhập và phát triển của xã hội hiện đại cùng với tác động tiêu cực xã hội đã xâm nhập sâu vào từng thôn, làng nên đã làm cho cồng chiêng đang dần bị mai một, không có thế hệ kế thừa. Trước thực trạng đó, ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh dạy cồng chiêng tại các trường học thông qua các buổi ngoại khóa, từ đó khơi dậy niềm đam mê văn hóa, nhạc cụ truyền thống trong học sinh; góp phần bảo tồn văn hóa, nghệ thuật truyền thống của cộng đồng các dân tộc.

Đặc biệt, hai năm một lần, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum tổ chức Liên hoan Cồng chiêng-Múa xoang, thi trang phục dân tộc thiểu số. Đây là dịp để chắp cánh cho năng khiếu và sở trường của học sinh; tạo cơ hội để các em thể hiện và tự hào hơn về bản sắc văn hóa dân tộc mình. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương tại tỉnh Kon Tum thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn nhằm tạo sân chơi, cơ hội để các em giao lưu văn hóa, khơi dậy niềm đam mê đối với các nhạc cụ truyền thống.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình! 

Đức Hưng