Ký ức 50 năm ngày giải phóng huyện Lộc Ninh, Bình Phước

Cách đây 50 năm, chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng hoàn toàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước vào ngày 07/04/1972 không chỉ làm nức lòng quân và dân trong huyện, mà còn là đòn bẩy tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đã tròn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng khi nhắc về trận đánh giải phóng Lộc Ninh, những nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ vẫn nhớ như in thời khắc ấy. Ngày 07/04/1972 ở Lộc Ninh, huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng. 

Trung tướng NGUYỄN ĐỨC XÊ, Nguyên trợ lý tác chiến Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4: “Chủ trương của Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, ở Miền Đông Nam Bộ có nhiệm vụ là tiêu diệt một lực lượng quan trọng của địch và chiếm lấy một số địa bàn trọng yếu để mở rộng vùng giải phóng để đẩy địch đi vào thế bị động hơn nữa. Về cách đánh là cho hướng Tây Ninh nổ súng trước, có tác dụng thu hút được lượng địch. Còn Quốc lộ 13 thì nổ súng sau.”

Trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Lộc Ninh năm 1972 trở về cuộc sống đời thường với những vết thương trên cơ thể, ông Đỗ Văn Nho, Cựu chiến binh thuộc đại đội C31, huyện Lộc Ninh (đơn vị được giao nhiệm vụ đánh địch càn quét, bảo vệ khu căn cứ, kho tàng và các vùng giải phóng), luôn tự dặn lòng mình còn may mắn, bình an trở về sau giải phóng.

Ông ĐỖ VĂN NHO, Cựu chiến binh đại đội C31, huyện Lộc Ninh, Bình Phước: “Bước vào chiến dịch Nguyễn Huệ, trong ngày đầu tiên đơn vị bị vướng miền, hi sinh hết 10 đồng chí gồm đồng chí Đại đội trưởng và Chỉ huy trưởng, huyện đội phó. Lúc đó tôi chỉ 16 tuổi thôi. Xảy ra sự cố như vậy thì anh/em động viên nhau chiến đấu chờ chi viện.”

Bà ĐẶNG THỊ QUẾ, Cựu chiến binh: “Máy bay trực thăng bay qua thì tôi mới núp vào lùm cây. Tôi hé mắt nhìn lên thấy cây súng nằm ngay cửa máy bay trực thăng thì tôi nghĩ trong bụng liền là nó phát hiện ra thời điểm đó thì mình chỉ có chết thôi.”

Trong Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, huyện Lộc Ninh cũng chính là địa điểm được chọn đặt Sở Chỉ huy của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, từ đây đã truyền đi những quyết định quan trọng của Trung ương Đảng và Bộ Chỉ huy chiến dịch trong những giờ phút trọng đại của dân tộc.

PGS.TS HÀ MINH HỒNG, Chuyên gia lịch sử: “Sau khi trở thành huyện giải phóng đầu tiên thì nó tạo ra bàn đạp mới cho sự tiến công và nổi dậy, đặc biệt là sự tiến công của quân giải phóng. Mặt trận Lộc Ninh trở thành 1 nơi tập hợp tất cả lực lượng của ta như một sức mạnh 1 ngày bằng 20 năm. Cả nước ra quân, hành quân, cùng với các lực lượng khác để giải phóng hoàn toàn miền Nam.”

Sau 50 năm giải phóng, về Lộc Ninh hôm nay ai ai cũng tự hào về sự thay da, đổi thịt của một huyện anh hùng đang ngày càng có những bước phát triển vững bước đi lên. Lộc Ninh đã và đang phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời chống Pháp, chống Mỹ, chuyển thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay. 

Quang Duy