• 4602 lượt xem
  • 02:51 27/07/2022
  • Xã hội

Ký ức của chiến sĩ Việt Nam về chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn ở Trung Quốc

Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn góp phần vào việc thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1/10/1949). Liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam được nhân dân Trung Quốc quy tập về 2 nghĩa trang Thủy Khẩu (Long Châu) và Đông Hưng (Quảng Tây) hương khói phụng thờ hơn 70 năm qua.

Dược sĩ Phùng Thị Sâm, chiến sĩ quân dược tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn: “Bây giờ tôi vẫn nhớ nguyên, cột mốc cao 1 mét rưỡi, ngang độ 80 phân, có chữ Pháp “Frontiére Sino -Anamite” tức là biên giới Trung Quốc - Việt Nam. Chúng tôi cảm động quá! Vì mày mà chúng tao khổ như thế này đây! Nếu không phải đi qua cái biên giới này thì đỡ khổ".

Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn góp phần vào việc thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1/10/1949). Liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam được nhân dân Trung Quốc quy tập về 2 nghĩa trang Thủy Khẩu (Long Châu) và Đông Hưng (Quảng Tây) hương khói phụng thờ hơn 70 năm qua.

Năm 1948, đồng chí Trang Điền được chỉ thị của đồng chí Chu Ân Lai sang gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Lục Giã (Thái Nguyên). Đồng chí Trang Điền thông báo tình hình chiến tranh giải phóng ở Trung Quốc. Quân Tưởng Giới Thạch tăng cường càn quét những lực lượng vũ trang cách mạng ở Hoa Nam. Những đơn vị du kích của bạn đang gặp khó khăn và thiếu lương thực. Đảng Cộng sản Trung Quốc mong nhận được tiếp viện của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kể lại: “Bác và chúng tôi bàn với phái viên của bạn về sự phối hợp chiến đấu, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai quân đội cách mạng”.

Sau đó, Bộ chỉ huy chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn được thành lập: Tư lệnh Liên khu Việt Bắc Lê Quảng Ba (sau này là Thiếu tướng, Đại biểu Quốc hội) làm Tư lệnh chiến dịch; Trần Minh Giang, cán bộ của Quân giải phóng Trung Quốc, làm Chính ủy. 

Lương y Thân Văn Nhã, Chiến sĩ Quân dược tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn: “Đói, anh em ốm yếu nhiều. Lúc bấy giờ có lệnh ở trên xuống, bây giờ phải xuất ra 1 kg gạo để nấu cháo không bồi dưỡng cho anh em ốm. Mỗi người, một bữa được bồi dưỡng 1 ca cháo không độn. Đấy là bồi dưỡng cho các chiến sĩ ốm yếu. Thế là quý lắm rồi. Được 1 ca cháo không độn rau!".

Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn chia làm hai mặt trận: Mặt trận thứ nhất là Điền Quế, do Trung đoàn trưởng Nam Long (sau này là Trung tướng) làm chỉ huy trưởng; Hoàng Bình, cán bộ Quân giải phóng Trung Quốc làm chỉ huy phó; Đỗ Trình (sau này là Trung tướng) làm chính trị viên.

Mặt trận thứ hai là Long Châu, do Đại tá Thanh Phong làm Tư lệnh; Trung đoàn trưởng Chu Huy Mân (sau này là Đại tướng) và Trung đoàn trưởng Hoàng Long Xuyên (sau này là Đại tá) làm Phó Tư lệnh.

Đại tá Hoàng Long Xuyên, nguyên Phó Tư lệnh mặt trận Long Châu: “Đánh bắt đầu từ Hữu Nghị quan, lúc bấy giờ quân Tưởng nó kết hợp với quân Pháp, mình có một đơn vị chặn lại cái đồn của Pháp ở bên pháo đài. Sau đó, cả Tiểu đoàn Quang Long chuẩn bị, bởi thế nào quân Tưởng cũng lên tiếp viện cho quân Pháp. Rồi đúng y sự thật. Nó kéo lên gần 1 đại đội. Lúc bấy giờ, ông Quang Long chỉ huy trưởng tiểu đoàn có trách nhiệm tiêu diệt. Nó lên gần đến Hữu Nghị quan, lúc bấy giờ bắt đầu nổ súng”. 

Chiến dịch Thập vạn Đại sơn diễn ra khi Đảng Cộng sản Trung Quốc còn chưa nắm được chính quyền. Việt Nam còn nằm trong thế bao vây của thực dân Pháp. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cử quân tình nguyện sang giúp bạn. Đó là tình bạn chiến đấu quốc tế cao cả, trong sáng vô ngần.

Việt Bắc