• 1303 lượt xem
  • 21:04 26/07/2022
  • Kinh tế

Kỳ vọng chính sách hợp lý cho tín dụng bất động sản

Các ngân hàng thương mại đã hết room tín dụng đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp bất động sản (BĐS). Từ tháng 4/2022, nhiều dự án triển khai chậm, mua bán trầm lắng và ở phân khúc BĐS cần sử dụng đòn bẩy ngân hàng hầu như không có giao dịch. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần sớm ban hành các chính sách để khơi thông các dòng tiền để bình ổn thị trường BĐS.

Trong báo cáo tổng kết ngành ngân hàng trong 6 tháng và định hướng đến cuối năm, Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) khẳng định, sẽ giữ mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 là 14%, tuy nhiên sẽ có những quy định để minh bạch việc phân bổ các hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng thương mại (NHTM). Khoảng 500 nghìn tỉ đồng được giải ngân đến cuối năm, giúp cải thiện mức chênh lệch giữa tín dụng – huy động vốn.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM: “Việc công bố dừng và dừng ngay làm cho doanh nghiệp BĐS đứt gãy nguồn cung tín dụng và gây rủi ro cho doanh nghiệp rất lớn”.

Ở góc độ người vay vốn, lãi suất cho vay đã không còn thấp, các gói tín dụng ưu đãi không còn. Nhiều NHTM tăng mức lãi vay cao hơn 2% so với trước đây, làm cho người mua lo lắng, tiếp tục nghe ngóng thị trường.

Tiến sĩ ĐINH THẾ HIỂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng: “Trong hai năm vừa qua, tăng giá là do khoảng 70% các nhà đầu tư ngắn hạn. Khi nhà đầu tư ngắn hạn chùn tay thì lực mua sẽ giảm, đó là lý do từ nay đến cuối năm BĐS sẽ khó tăng trên diện rộng”.

Ông VÕ HỒNG THẮNG, Phó Giám đốc R&D DKRA Việt Nam: “Việc siết chặt tín dụng nếu không kịp tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung trong 6 tháng tiếp theo và trong năm 2023”.

Dự báo, trong quý III/2022, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp cần đáo hạn khoảng 64.696 tỉ đồng, nhóm bất động sản chiếm đến 52% và sẽ tiếp tục tăng trong quý IV/2022. Các chuyên gia cảnh báo đây sẽ là rủi ro cho toàn bộ hệ thống tài chính.

Ông VÕ HỒNG THẮNG, Phó Giám đốc R&D DKRA Việt Nam: “Hoàn toàn phải chờ việc khơi thông từ NHNN và các chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước trong thời gian tới. Tất nhiên, chủ đầu tư cũng phải tìm kiếm những nguồn vốn mới để thúc đẩy dự án ra thị trường, tuy nhiên chi phí vốn sẽ đội lên và giá bán chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới”.

Quan điểm của NHNN tương đối thận trọng trước áp lực lạm phát, tỷ giá ngoại tệ, ảnh hưởng kinh tế toàn cầu… nên cần phải có những chính sách cụ thể, phù hợp đối với việc nới hạn mức tín dụng, các gói cho vay ưu đãi. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần khai thông các chính sách để kích hoạt các nguồn vốn khác như vốn FDI, trái phiếu doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu.

Phạm Quyền