Lâm Đồng: Giao cho tư nhân quản lý, rừng ...bị biến mất

Thời gian qua, tại tỉnh Lâm Đồng việc giao đất rừng cho tư nhân quản lý, bảo vệ để mất rừng đã và đang gây ra nhiều hệ lụy phức tạp. Ghi nhận của PV THQHVN tại Tây Nguyên.

Được biết năm 2013, UBND huyện Bảo Lâm có Quyết định số 4124 giao hơn 231 ha rừng tại tiểu khu 438A và 439 thuộc địa bàn xã Lộc Phú cho 9 hộ dân ở thôn 4 quản lý, bảo vệ, do ông Nguyễn Đức Dạo làm tổ trưởng. Trong đó, hầu hết là rừng tự nhiên,diện tích đất được phép sản xuất nông lâm kết hợp là 5,85ha. Quyết định là giao rừng cho cộng đồng quản lý bảo vệ, nhưng số diện tích này bị biến thành tài sản riêng của một vài người; rừng bị cưa hạ, đất bị chiếm và sang nhượng trái phép.

Ông BÙI MẠNH HÙNG, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng: “Vị trí chúng ta đứng đây là từ dự án giao cho cộng đồng dân cư thôn 4. Qua quá trình giao cho cộng đồng dân cư thì các hộ trồng cây keo, cây muồng, trồng một cây nông nghiệp, không đúng so với phương án sản xuất và để bị mất một số rừng nhỏ lẻ. Ủy ban nhân dân ra quyết định thu hồi và giao cho ban quản lý rừng DamBri quản lý từ năm 2020 đến nay.”

Còn đây là khu vực triển khai dự án trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao Vina-Lâm Đồng do Công ty TNHH NASIĐÔ chịu trách nhiệm triển khai tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Thế nhưng, hàng chục héc ta đất dự án không thể thu hồi giao cho doanh nghiệp do người dân xâm lấn. Điều đáng nói diện tích đất này, trước đây là đất rừng và giao cho Công ty TNHH Kỹ thuật nhựa Khang Thịnh thuê triển khai dự án đầu tư trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng.

Ông NGUYỄN TIẾN MẠNH, Đại diện chủ đầu tư dự án trang trại chăn nuôi: “Doanh nghiệp đã được tỉnh chấp thuận ranh giới đầu tư tại địa bàn xã Lộc Ngãi. Nhưng do trước đây khâu quản lý của địa phương chưa tốt để dân lấn chiếm và xảy ra tình trạng tranh chấp đất như hiện nay, dẫn đến địa phương hiện tại là chưa giao được mặt bằng đất cho doanh nghiệp, dẫn đến dự án chậm trễ triển khai được. Vì vậy gây rất nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp.”

Theo như Hạt kiểm lâm huyện Bảo Lâm, hiện nay trên địa bàn đang có 50 dự án giao đất cho doanh nghiệp quản lý và bảo vệ rừng, với tổng diện tích khoảng hơn 14.000 ha. Nhưng thời gian qua việc quản lý và bảo vệ rừng của các đơn vị này còn yếu kém và để xảy ra lấn chiếm phức tạp.

Ông NGUYỄN VĂN DU, Hạt phó hạt kiểm lâm huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng: “Nhiều doanh nghiệp thì thuê đất từ 2-300 đến 500 ha, tuy nhiên lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của đơn vị chủ rừng ngoài nhà nước là doanh nghiệp thì mỏng, nghiệp vụ tuần tra, kiểm tra rừng còn hạn chế. Thứ 2 nhiều doanh nghiệp thì đại diện tư cách pháp nhân ở địa phương khác. Thứ 3 quản lý của doanh nghiệp yếu nên nhiều doanh nghiệp đã để xảy ra việc lấn chiếm đất lâm nghiệp, mất rừng.”

Rõ ràng việc nhận đất rừng để quản lý, bảo vệ rồi để mất rừng là trách nhiệm của các đơn vị được nhà nước giao. Thế nhưng trên thực tế tại huyện Bảo Lâm hiện nay tình trạng lấn chiếm đất rừng đang diễn ra phức tạp thì tỉnh Lâm Đồng cần vào cuộc để xem xét trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Và cần mạnh tay xử lý nghiêm trách nhiệm của các địa phương liên quan và quyết liệt thu hồi diện tích đất rừng đã bị lấn chiếm trái phép như vừa qua.

Đức Hưng