• 2473 lượt xem
  • 09:20 23/06/2022
  • Văn hóa

Làm gì để khắc phục tình trạng thiếu vắng diễn viên múa ballet?

Nghệ thuật ballet Việt Nam đã có thời kỳ hoàng kim trong quá khứ và cho đến những năm 2000-2005, với những vở ballet kinh điển như “Kẹp hạt dẻ”; “Romeo và Juliet”; “Gió mùa”... Thế nhưng, gần 10 năm qua, nghệ thuật ballet gần như vắng bóng và nhân tài ballet vốn đã hiếm, nay lại càng thiếu.

Hồ Thiên Nga – một tác phẩm kinh điển của nghệ thuật múa ballet do Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam dàn dựng lại đã đem lại nhiều cảm xúc và thu hút được đông đảo khán giả yêu mến nghệ thuật ballet. Thế nhưng, ít ai biết được rằng, hầu hết các diễn viễn Solist tại Nhà hát đều đã quá tuổi nghề và chưa có người tiếp nối. Một nhà hát quốc gia, một cánh chim đầu đàn trong ngành nghệ thuật hàn lâm, đặc biệt là bộ môn ballet lại chỉ có 24 diễn viên múa, số lượng không đủ để thực hiện một vở vũ kịch có quy mô.

Nguồn đào tạo múa ballet chủ yếu từ Học viện Múa Việt Nam nhưng nhiều năm nay, số lượng học sinh tuyển sinh vào trường ngày càng ít đi, đặc biệt là nam. Con đường tới nghệ thuật không trải hoa hồng như các em tưởng, bởi phải ai đủ tình yêu và đam mê bền bỉ với ballet mới theo được. Do đó nhân tài múa vốn đã thiếu, nay lại càng hiếm vì cuộc sống mưu sinh lấn dần những đam mê.

Ông TRẦN VĂN HẢI, Hiệu trưởng Học viện Múa Việt Nam: “Đây là một thực trạng - thực trạng khan hiếm diễn viên, đặc biệt là diễn viên nam. Nguồn tuyển sinh đầu vào là chúng tôi đi trực tiếp các tỉnh, đi tận vùng sâu vùng xa để tìm kiếm những mầm non tài năng và khuyến khích, động viên, nói rõ thêm cái nghề được Nhà nước ưu đãi đặc thù, là một trong những nghề vinh quang và trao đổi thêm với những gia đình mà có những thí sinh có đầy đủ năng khiếu, điều kiện họ được cân nhắc lựa chọn có nên cho con vào mình cái ngành nghệ thuật gian này hay không". 

Muốn có một lứa diễn viên tốt thì phải mất 10 năm đào tạo, các nghệ sĩ tại Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam hiểu rõ điều đó và họ vẫn đang phải nỗ lực, cố gắng mặc dù  đã quá tuổi nghề.

Ông PHAN MẠNH ĐỨC, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam: “Nhà hát Nhạc vũ kịch cùng Trường Múa Việt Nam đã có ký kết hợp tác để tiếp nhận những sinh viên trẻ, chuẩn bị tốt nghiệp. Những sinh viên này sẽ có môi trường thực tập trong các vở diễn, qua đó có nhân tố tốt thì Nhà hát sẽ giữ lại để bổi dưỡng thành nòng cốt sau này cho múa ballet của Nhà hát Nhạc vũ kịch và của Việt Nam.”

Thiết nghĩ, nhân tài ballet vốn đã hiếm, lại không được trọng dụng và ngọn lửa nghề không còn được trao truyền thì nghệ thuật đỉnh cao ballet chỉ còn là giấc mơ. Ballet là một môn nghệ thuật đỉnh cao, nhưng nếu chỉ dựa vào nỗ lực, cố gắng của từng cá nhân thì không bao giờ thành công mà nó phải nằm ở chiến lược phát triển và đầu tư của các nhà quản lý văn hoá.

Minh Công