Làm rõ cơ chế phân chia hợp lý lợi ích về sở hữu trí tuệ

Sáng 25/1, Thường trực Ủy ban Pháp luật tiến hành phiên họp cho ý kiến về một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, đây là dự luật khó, chuyên môn sâu, do đó việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật được thực hiện thận trọng, kỹ lưỡng, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Cho ý kiến về vấn đề giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước, các đại biểu tán thành với quy định tại dự thảo Luật theo hướng được giao quyền đăng ký tự động và không bồi hoàn cho đơn vị chủ trì. Quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho pháp nhân thành lập theo pháp luật Việt Nam, cũng như cho cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về cơ sở đưa ra quy định về phân chia lợi nhuận như đề xuất của Ban soạn thảo; đề nghị, làm rõ về quá trình tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của chính sách này. 

Ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Có thể có nhiều cách khác nhau để đảm bảo lợi ích ở đây, ví dụ như tại Ấn Độ,  giá thuốc được sáng chế bằng tiền nhà nước phải bảo đảm các đối tượng trong xã hội đều tiếp cận được.

Có ý kiến đề nghị các bộ, ngành cần có báo cáo giải trình thuyết phục cho việc phân chia lợi nhuận từ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước.

Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Loại thứ 1 nhà nước ấn định ngay, cái đó phải cụ thể. Loại 2 là định giá thương mại, có giá tối đa hoặc tối thiểu, có khung, họ không thỏa thuận được mới ấn định, nếu chúng ta viết chung như này sẽ không ấn định được.

Ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ: Ngoài thuế thu được từ sáng chế, phần lợi nhuận kiếm được từ thương mại hóa ngoài phần trả cho tác giả, cho môi giới thì sẽ có 1 phần tái đầu tư cho khoa học công nghệ.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, đa số đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện tại dự thảo Luật Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, các cơ quan tiếp tục trao đổi làm rõ về những vấn đề còn quan điểm khác nhau, chú ý bám sát một số nguyên tắc. Đó là bảo đảm thực hiện đúng cam kết quốc tế; giải quyết vấn đề vướng mắc trong thực tiễn đang đặt ra; phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam về trình độ sản xuất, nhận thức của người dân, nhu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước; góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp./. 
 

Hoàng Hương