Làm rõ nguồn vốn chưa xác định cho 3 dự án cao tốc

Cần làm rõ nguồn vốn đầu tư cho 3 dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ, Sóc Trăng bởi trong 5 nguồn vốn dự kiến sử dụng cho 3 dự án cao tốc Chính phủ trình thì có tới 4 nguồn vốn "chưa xác định", chưa chắc chắn.

3 dự án cao tốc đường bộ Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ, Sóc Trăng sử dụng 5 nguồn vốn gồm: Vốn thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được phân bổ của Bộ Giao thông vận tải; Vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nguồn ngân sách địa phương tham gia đầu tư; Vốn từ tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 và nguồn vốn năm 2026 được ưu tiên bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

Ông NGUYỄN VĂN THỂ - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: “Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết đầu tư các dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua. Việc phân bổ dự án tại các vùng miền phù hợp và đây cũng là những dự án chiến lược, có tầm quan trọng, được mong ước từ lâu. Tuy nhiên, cân nhắc nghiên cứu về hướng tuyến của các dự án”.

Ông BÙI VĂN CƯỜNG - Tổng Thư ký Quốc hội: “Chúng tôi đề nghị xem xét kỹ về hướng tuyến, vì độ dài hướng tuyến rất quan trọng, chỉ cần 1m dài thôi nhưng hàng trăm năm nghìn năm thì chi phí rất lớn.”

Riêng về nguồn vốn phân bổ cho dự án, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Các nguồn vốn cho dự án đều chưa trình UBTVQH cho ý kiến và quyết định phương án phân bổ để có căn cứ để xác định tính hợp lý. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan giải trình đầy đủ, đặc biệt là các nguồn vốn chưa xác định ở cả 3 dự án làm cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Tôi thấy nhiều nội dung trong này chưa xác định. Đề nghị cơ quan giải trình đàng hoàng thì mới có cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định được. Lấy ví dụ dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, theo báo cáo của Chính phủ thì sẽ áp dụng cơ chế chỉ định thầu để giảm 5%, khoảng 708 tỷ đồng nên tổng mức đầu tư sẽ giảm xuống chỉ còn 16.845 tỷ đồng. 708 tỷ này là cái chưa có, chưa xác định được. Tôi chưa thấy trong lịch sử đầu tư công mà có dự án lại đi trình kiểu này, quyết định cái mà không biết có hay không thì nó rất không xác định”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị chính phủ giải trình thêm để đảm bảo các dự án làm nhanh nhưng phải bảo đảm tương xứng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, sự phù hợp với các quy hoạch liên quan, tiến độ hoàn thành, tính khả thi trong phương án vận hành thu phí sau khi dự án hoàn thành. Đồng thời, cần rà soát lại các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng đối với 3 dự án theo đúng tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng rõ nhất nhưng số vốn lại quá bé (chỉ khoảng 9.620 tỷ đồng), chiếm khoảng hơn 10% trong tổng mức đầu tư các dự án. Trong khi đó, chính nhờ số vốn này mà các dự án lại được hưởng các cơ chế đặc thù của chương trình phục hồi phát triển kinh tế.”

Tại phiên họp, đại diện các địa phương có dự án đi qua như Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đắk Lắk… ,cam kết bố trí vốn theo đúng luật định, đồng thời sẽ sớm lên phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng như có các đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội giao tỉnh làm cơ quan chủ quản của dự án.

Hồng Dũng