Làm rõ tác động của thông tin điện tử, mạng xã hội đối với văn hóa học đường

Thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng internet”, sáng 18/01, Đoàn giám sát của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.Hà Nội.

Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hà Nội làm rõ việc quản lý khai thác xử lý thông tin, việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho học sinh, sinh viên, nhà giáo về Internet, an toàn thông tin và an ninh mạng.

Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội trong thời gian vừa qua, cho rằng qua 2 năm đại dịch COVID-19 việc học trực tuyến và tiếp xúc hàng ngày với các thiết bị di động, máy tính có kết nối mạng đã giúp cho cả thầy và trò rất thành thạo các kỹ năng trên môi trường này. Tuy nhiên, một số ý kiến bày tỏ băn khoăn trước việc các quy định từ cơ quan quản lý nhà nước đã đảm bảo an toàn cho học sinh trên môi trường này hay không. 

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội: “Vấn đề định hướng cho cả giáo viên, cho cả học sinh từ khâu tiếp nhận thông tin đến xử lý thông tin như thế nào là rất quan trọng. Trong báo cáo đã có, nhưng cần có những số liệu để biết trong quá trình triển khai Luật An toàn thông tin mạng. Cần có định hướng xây dựng, định hình văn hóa ứng xử, trách nhiệm ứng xử trên môi trường mạng”.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: “Trong khi học trực tuyến thì có những hành vi lệch chuẩn hay không và có những hiện tượng vi phạm tương đối phổ biến thì chúng ta cần phải trao đổi; cũng như về tác động của thông tin điện tử và mạng xã hội đối với vấn đề duy trì và bảo vệ văn hóa học đường như thế nào."

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hoà, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội: “Học trực tiếp tác động trên môi trường mạng đã khó nay học trực tuyến càng khó hơn. Không hiệu trưởng nào dám khẳng định rằng: trường tôi không có học sinh vi phạm đưa tin hoặc trường tôi không có học sinh vi phạm khai thác thông tin, hoặc bị bắt nạt trên môi trường mạng. Điều này là bởi chúng tôi còn thiếu cả hành lang, cơ chế để quản lý việc này”. 

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hà Nội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng mô hình trường học điện tử, mô hình giáo dục thông minh đối với các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; hướng dẫn cán bộ quản lý, giáo viên mua phần mềm dạy học đảm bảo chất lượng có bản quyền; ban hành văn bản hướng dẫn định mức chi cho công tác số hóa bài giảng, tài liệu, học liệu phục vụ công tác dạy - học trên môi trường mạng, sửa đổi danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, trong đó cần bổ sung vị trí việc làm của nhân viên công nghệ thông tin trong các nhà trường./. 

Thùy Linh