Làm rõ tính hợp lý quy định quỹ chung không chia

Tiếp tục phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9, Sáng 20/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ tính hợp lý, hợp Hiến của dự thảo quy định hợp tác xã không được quyền định đoạt quỹ chung không chia.

Cho rằng quy định về quỹ chung không chia và tài sản chung không chia còn liên quan đến quy định của Bộ luật Dân sự, các thành viênUỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm và làm rõ hơn để bảo đảm phù hợp với nguyên tắc Hiến định về bảo hộ quyền sở hữu đã được cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự.

Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Theo dự thảo luật thì quỹ chung không chia thì kể cả khi tổ chức kinh tế hợp tác giải thể, phá sản thì tổ chức ấy cũng không được quyền định đoạt, phải giao lại cho Ủy ban nhân dân để bàn giao cho tổ chức kinh tế tập thể khác. Tính hợp lý, hợp Hiến của dự thảo quy định này phải phân tích để làm rõ thêm.”

Việc trích lập quỹ chung không phân chia là một trong những đặc thù, cần phải nghiên cứu kỹ hơn để thực hiện nguyên tắc đối nhân không đối vốn nhưng vẫn thu hút được những người góp vốn cho hoạt động hợp tác xã. Các thành viên Uỷ ban Thường vụ đặt vấn đề: Quy định như dự thảo luật về quỹ chung không chia liệu có áp đặt, trong khi doanh nghiệp được quyền định đoạt?

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: “Ở Điều 60 là trích lập quỹ chung không chia, hợp tác xã là 5%, Liên hiệp hợp tác xã là 10% và Liên đoàn hợp tác xã là 15%, đưa vào đây là vĩnh viễn không bao giờ chia ra thì mình có áp đặt hay không. Trong khi đó là từ doanh nghiệp trở lên là được quyền định đoạt.”

Bà NGUYỄN THỊ THANH, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH: “Chúng ta bây giờ mới đang làm thí điểm thì có thể bỏ nội dung là 15% đối với Liên đoàn, nhưng còn 5% đối với hợp tác xã và 10% đối với Liên hiệp Hợp tác xã thì các đồng chí cũng cho ý kiến là căn cứ nào để chúng ta xác định mức độ này và mức độ này để đóng góp cho quỹ chung không phân chia thì có đảm bảo cho câu chuyện là có quỹ, mức độ quỹ để phục vụ cho hoạt động của hợp tác xã hay không”.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án luật bổ sung quy định về quỹ chung không chia, yêu cầu trích lập vào quỹ chung không chia hằng năm tối thiểu 5% lợi nhuận từ các hoạt động giao dịch bên ngoài. Do quỹ này mang tính đặc thù riêng của các tổ chức kinh tế hợp tác để hình thành và phát triển tài sản chung không chia; tài sản chung không chia lạc hậu về kỹ thuật, công nghệ, bị hư hỏng, hết khấu hao thì được phép chuyển nhượng, định giá, thanh lý theo quy định của điều lệ và đưa vào quỹ chung không chia. Quỹ chung không chia và tài sản chung không chia không được chia lại cho thành viên trong mọi trường hợp, kể cả khi giải thể, phá sản.