Làm rõ việc chậm phân bổ nguồn vốn chương trình giảm nghèo

Làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để nghe báo cáo sơ bộ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các thành viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã chỉ ra những vấn đề nổi lên đối với việc triển khai chính sách giảm nghèo.

Trong đó, có nội dung liên quan đến phân bổ và giải ngân nguồn vốn ngân sách.

Một trong những kiến nghị được nêu trong báo cáo của Bộ LĐTB&XH là trình Quốc hội, UBTVQH phân bổ 28.000 tỷ đồng vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và bổ sung 700 tỷ đồng vốn sự nghiệp ngân sách trung ương thực hiện nội dung “cải thiện dinh dưỡng”, “hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo” năm 2022.

Trước kiến nghị này, các đại biểu lo ngại khi việc một số dự án đầu tư theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo thời gian qua còn dàn trải, trùng lắp, chưa đúng mục tiêu, nhất là việc phân bổ vốn đến nay chưa đáp ứng tiến độ… thì việc tiếp tục phân bổ nguồn vốn liệu có đạt được kết quả như kế hoạch.

Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ lý do giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia chậm tiến độ, chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện chương trình.

Đối với việc đến nay mới có 29/48 địa phương có báo cáo đã ban hành quy định về cơ chế lồng ghép, huy động các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần làm rõ nguyên nhân, khó khăn và đánh giá hiệu quả thực tế.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Như Thảo