Làm sao để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho Vành đai 4 - Vùng Thủ đô?

Nhiều tuyến đường vành đai vẫn ì ạch, chưa thể cán đích sau nhiều năm triển khai, Khó khăn lớn nhất của các dự án công trình hạ tầng giao thông là nguồn vốn và công tác giải phóng mặt bằng. Vậy với đường vành đai 4 Hà Nội cần làm thế nào để khơi thông nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng? Đây cũng là vấn đề được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại kỳ họp lần này.

Ổ gà, ổ voi, vật liệu xây dựng ngổn ngang, trời mưa thì tạo thành hố ngập sâu, trời nắng thì bụi mù mịt là thực trạng của tuyến đường vành đai 2.5 đoạn từ Đầm Hồng-Định Công tới Giải Phóng, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội. Dự án được  phê duyệt quy hoạch từ năm 2002, là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội, tuy nhiên đến nay dự án vẫn ngổn ngang do chưa giải phóng xong mặt bằng. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều tuyến đường vành đai.

Ông NGUYỄN TRƯỜNG GIANG, ĐBQH tỉnh Đăk Nông: “Tất cả các tuyến vành đai 1; 2; 2.5; 3; 3.5 đều chưa có con đường nào hoàn thành cả, tôi đề nghị cùng việc quyết định triển khai vành đai 4, cũng cần giải pháp để hoàn thiện các vành đai này, Trong đề án vành đai 4 này nói rất hay rồi nhưng những cái hiện hữu dở dang sao không tập trung nguồn lực mà làm.”

Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội dài 112 km trong đó có 58 km đi qua thành phố Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Nút thắt lớn nhất trong khâu phóng mặt bằng là khoảng cách chênh lệch giữa giá đền bù do Nhà nước xác định và giá thị trường rất cao dẫn đến không nhận được sự đồng thuận của người dân. 

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG, ĐBQH thành phố Hà Nội: “Phải tách riêng phần về giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, phải đưa giải phóng mặt bằng đi trước 1 bước. Sau khi giải phóng mặt bằng xong, có quỹ đất sạch chúng ta mới triển khai dự án đầu tư để tránh đội giá giải phóng mặt bằng. Cùng đó phải có cái giá đề bù sát giá thị trường, chứ áp cho người ta cái giá theo thang bậc Nhà nước nó rất thấp, rất khó để tái định cư.”

Chuyên gia cũng khuyến cáo, Phát triển đô thị bám theo tuyến giao thông là giải pháp quy hoạch phổ biến trên thế giới và trên thực tế đang diễn ra ở Việt Nam nhưng mang tính thụ động và tự phát. Thành phố chỉ cần giao cho một đơn vị chuyên trách về khai thác quỹ đất quy hoạch của thành phố, ứng vốn giải phóng mặt bằng, đấu giá đất sạch, lấy chênh lệch địa tô này để làm hạ tầng giao thông vận tải.

PGS. TS ĐỖ TÚ LAN, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng: “Chúng ta cũng cần phát triển đô thị 2 bên vành đai, không để sự phát triển tự phát được, bài học từ dự án công hóa Ngã Tư Sở, 2 bên họ xây dựng rồi họ có hàng nghìn mét đất, Nhà nước không thu được đồng nào du phải vay vốn ODA.”

Để sớm hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng cũng cần chú ý đến những giải pháp tái định cư cho người dân, tạo điều kiện sinh sống ở những khu vực mới tương ứng với điều kiện ở nơi họ bị mất đất, đồng thời, sớm giúp họ ổn định cuộc sống, công ăn việc làm.

Hoàng Tùng