Lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh nghe chuyên gia, doanh nghiệp hiến kế chuyển đổi số

TP.Hồ Chí Minh cần yêu cầu các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp có thu sử dụng 30% ngân sách của Quỹ khoa học – công nghệ để ứng dụng CNTT và chuyển đổi số; cần quan tâm và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái chuyển đổi số chung. Đó là các kiến nghị được nêu ra tại Hội nghị gặp mặt của lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp, chuyên gia CNTT, truyền thông.

Theo Chủ tịch Hội tin học TP.Hồ Chí Minh, chuyển đổi số không chỉ là cơ hội mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp công nghệ thông tin. Chuyển đổi số đã tạo ra các ngành và các mô hình kinh doanh, mô hình quản trị mới. Vì vậy, nếu áp dụng chuyển đổi số sẽ tạo ra mô hình hành chính công để phục vụ người dân theo phương thức mới.  

Ông LÂM NGUYỄN HẢI LONG - Chủ tịch Hội tin học TP.HCM: “Thành phố hãy yêu cầu các tổng công ty, các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp có thu sử dụng ít nhất 30% ngân sách của Quỹ khoa học công nghệ để ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyển đổi số, xem đây là chỉ số đánh giá thi đua khen thưởng. Các dự án sử dụng vốn kích cầu của thành phố phải đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin nhất định trong tổng số chi phí hỗ trợ lãi vay và xem đây như là một trong những điều kiện cho vay.”

Phân tích các thách thức chuyển đổi số trong doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh kiến nghị thành phố quan tâm, có cơ chế đột phá và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái chuyển đổi số chung.

Ông NGUYỄN PHƯỚC HƯNG - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM: “Hiệp hội doanh nghiệp thành phố kiến nghị thành phố cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số; cho phép doanh nghiệp được sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ vào chuyển đổi số; hỗ trợ một phần kinh phí để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số.”

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất TP. Hồ Chí Minh cần có chính sách hỗ trợ cho các công ty chuyên về dữ liệu và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Dữ liệu mở cần công khai cho doanh nghiệp người dân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; phải đầu tư đồng bộ, trọng điểm với các dự án liên quan đến nguồn dữ liệu,… để biến nguồn dữ liệu thành tài nguyên phát triển kinh tế.

Mỹ Tho