Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đưa ra kế hoạch xây dựng các mô hình bảo tàng sinh thái nhằm gìn giữ các di sản văn hóa trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và gắn với phát triển du lịch.
Đây là mô hình bảo tàng mới, sở hữu của cộng đồng, khách đến tham quan có thể tiếp xúc với di sản trong chính đời sống thật và những câu chuyện lịch sử của di sản. Mô hình này lần đầu tiên được đưa vào trong chính sách quan trọng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong thực tế, nhiều năm qua, có một số nơi đã chọn hướng đi này và cho dù có thể chưa đạt được kết quả như mong đợi nhưng cũng đã có những "bóng dáng" của bảo tàng sinh thái. Xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, nơi có trên 90% đồng bào Tày sinh sống là một điểm như vậy.
Người Tày ở xã Nghĩa Đô có các nghề truyền thống là đan lát và dệt thổ cẩm, xuất phát từ cuộc sống lao động, người dân đã sáng tạo ra rất nhiều sản phẩm, hoa văn mang đặc trưng riêng của người Tày và được các thế hệ nối tiếp truyền dạy, trong thời gian gần đây những hoạt động này được khôi phục trở lại để đón du khách về trải nghiệm.
Chị NGUYỄN THỊ SAN, bản Nà Khương, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai: “Làm như này là giữ gìn bản sắc của dân tộc Tày Nghĩa Đô, thứ hai là giữ lại nghề truyền thống của dân tộc Tày như đan lát hoặc thổ cẩm. Nếu không giữ thì bị mai một.”
Nghĩa Đô hiện có hơn 1.000 ngôi nhà sàn của Người Tày, trong đó còn nhiều ngôi nhà sàn cổ, cầu thang 9 bậc. Hầu như các nhà ở đây vẫn giữ được nếp nhà cũ.
Ông LƯƠNG CAO THẾ, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai: “Xã đã rà soát và định hướng Nghĩa Đô có hội tụ để phát triển. Thứ nhất là bản sắc dân tộc người Tày, thứ hai là giữ được nếp nhà sàn truyền thống. Hiện nay vẫn giữ được trên 90% nhà sàn truyền thống người Tày các cụ để lại.”
Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hóa đậm đà bản sắc ấy cùng với văn hóa ẩm thực từ các sản vật địa phương, các làn điệu dân ca, trò chơi dân gian là tiền đề giúp cho địa phương này xây dựng và phát triển mô hình bảo tàng sinh thái, trở thành điểm nhấn trên bản đồ du lịch của Lào Cai.
Ông TÔ NGỌC LIỄN, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai: “Bảo tàng sinh thái có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa cảnh quan, môi trường sinh thái và phong tục tập quán người dân. Huyện Bảo Yên rất mong muốn xây dựng bảo tàng sinh thái để xây dựng bảo tàng sống để huyện bảo tồn giá trị sống và phát triển du lịch. Hướng tiếp theo là đang xin ý kiến xem thẩm quyền như thế nào vì cần có cơ quan thẩm quyền có tính pháp lý cao để huy động nguồn lực và tuyên truyền với người dân.”
Huyện Bảo Yên cũng đang có nghị quyết chuyên đề và quy hoạch để trong thời gian tới có thể triển khai mô hình bảo tàng sinh thái. Theo đó sẽ có bảo tàng trung tâm, các khu dân cư giữ nguyên nếp sống của người bản địa. Khách đến tham quan có thể tiếp xúc thật với các giá trị di sản. Các di sản này đều có những câu chuyện lịch sử được người dân địa phương lưu truyền từ đời này qua đời khác.