Lễ cúng cơm mới - Nét văn hoá tín ngưỡng nông nghiệp đậm đà bản sắc

Cúng cơm mới là một nghi lễ truyền thống của dân tộc Mông được tổ chức sau thu hoạch vụ mùa hàng năm. Ngay sau khi thu hoạch lúa, gia chủ sẽ cử một người thực hiện công việc chọn thóc để phơi trước rồi đưa đi xát về nấu hoặc đồ trước và chuẩn bị một mâm cỗ cúng tổ tiên. Đồng thời mời anh em và bà con nhân dân trong bản cùng thưởng thức cơm mới để cầu mong năm sau có một vụ mùa bội thu.

Ngay sau khi thu hoạch vụ mùa, gia đình anh Giàng A Tráng chuẩn bị mâm cỗ, mời trưởng dòng họ và anh em cùng đến chung vui. Theo quan niệm của người Mông thì thu hoạch lúa mới về đến nhà phải cúng tổ tiên trước thì gia chủ và con cháu mới được ăn thóc mới. Đây là một nghi lễ truyền thống thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, trời, đất đã cho mưa thuận gió hoà.
 
Đối với Lễ cúng cơm mới của người Mông, dù gia đình kinh tế khó khăn hay khá giả đều phải tổ chức sau mỗi vụ thu hoạch. Nhất là các gia đình đã hết thóc cũ thì càng phải tổ chức sớm hơn. Nhiều hộ gia đình vừa thu hoạch đã phải cử người phơi thóc trước về nấu cơm.
 
Lễ cúng cơm mới chỉ tổ chức vừa đủ, phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế gia đình và số lượng khách mời ít hay nhiều. Vì mâm cỗ cúng chỉ có 2 chén rựơụ, một bát cơm mới, canh và một đĩa thịt để thông báo với tổ tiên. Khi kết thúc nghi lễ cúng cơm tại mâm, chủ nhà ăn một vài thìa cơm có nghĩa là cùng tiếp các cụ cùng tổ tiên và các vị thần ăn cơm mới.
 
Theo quan niệm của người Mông, việc ăn cơm mới là một sự kiện đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong một năm lao động vất vả. Sau khi làm lễ cúng thì gia đình mới chính thức được dùng thóc lúa của năm mới. Tại bữa ăn cơm mới, anh em, họ hàng, khách mời thường gửi những lời chúc tốt đẹp nhất trong một năm lao động, sản xuất và được năng suất nhiều hơn năm trước.

Vũ Thắng