• 1474 lượt xem
  • 02:41 24/03/2022
  • COVID-19

Lo âu, sợ hãi, stress... tâm lý học sinh hậu F0

Thời gian qua, trường học trên cả nước đón học sinh trở lại học trực tiếp nhằm đảm bảo quyền lợi học tập cho các em. Một điều không tránh khỏi khi học trực tiếp là các ca mắc xuất hiện trong trường học, học sinh và giáo viên trở thành F0. Nhờ tiêm vaccine nên gần như không xuất hiện các ca chuyển biến nặng, nhưng những di chứng hậu Covid-19 là không thể tránh khỏi.

>> Bác sĩ khuyến cáo: Thuốc điều trị Covid-19 có thể gây lỗi tế bào với trẻ nhỏ

Trở thành F0 không chỉ ảnh hưởng về mặt sức khỏe. Đối với những em học sinh cuối cấp, trở thành F0 còn mang đến nỗi lo vì gián đoạn thời gian học tập, trong khi thời điểm này các em đang phải chạy nước rút sau một thời gian học trực tuyến quá dài.

Em NGUYỄN HÀ CHÂU - Học sinh lớp 9C1, Trường THCS Lý Thái Tổ, Hà Nội: “Em khá lo lắng về việc học tập của mình và em cũng thấy sức khỏe của mình yếu đi. Em hay bị ngạt mũi, khó thở, nói cũng bị hụt hơi hơn nên nó khá ảnh hưởng đến sức khỏe của em”.

Việc mắc Covid-19 cũng mang đến những ảnh hưởng về mặt tâm lý như lo âu, sợ hãi. Nỗi lo âu không chỉ xuất hiện với những em đã mắc, mà gây trở ngại tâm lý với cả những em học sinh chưa mắc.

Em LÊ NGỌC BẢO ANH - Học sinh lớp 9C1, Trường THCS Lý Thái Tổ, Hà Nội: “Em đã 1 lần làm F0 thì em cảm thấy em phải bảo vệ bản thân tốt hơn trước khi trở thành F0. Nếu tái nhiễm lần 2 có thể nguy hiểm hơn ạ”.

Em NGUYỄN HỮU ĐẠT  - Học sinh lớp 12A, Trường THPT Lý Thái Tổ, Hà Nội: “Em khá là lo lắng khi đến trường, sợ các bạn bị F0 và có tâm lý ngại đi học”.

Thực tế, suốt một thời gian dài, trước khi xác định sống chung an toàn với Covid-19, chúng ta đã có một thời coi đây là dịch bệnh vô cùng nguy hiểm. Khi trở thành F0, các em học sinh còn mang theo gánh nặng “truy vết” F1, tạo ra mặc cảm mình là nguyên nhân lây lan cho bạn bè. Trong khi đó, nhiều phụ huynh mới chỉ quan tâm việc con âm tính với virus chưa, bao giờ đủ sức khỏe đi học,…mà quên mất vấn đề tâm lý của con.

TS VŨ THU HƯƠNG - Chuyên gia giáo dục: “Chính những hành xử đó khiến cho các con cảm thấy cô đơn hơn rất là nhiều. Điều đó khiến các con dễ rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc có những hành xử nguy hiểm như là chống đối thầy cô giáo, chống đối bố mẹ bạn bè, tìm cách lẩn tránh để không trở thành nguyên nhân bất hạnh của người khác. Điều này khiến mọi người hiểu lầm là các con lười và có thể trở thành nguyên nhân gây ra mâu thuẫn khác”.

Tâm lý học đường vốn là một vấn đề chưa được quan tâm đúng mực, nhưng lại càng trở nên trầm trọng hơn khi đối mặt với dịch bệnh. Để tránh những hậu quả đau lòng, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận sự khỏe mạnh không chỉ ở khía cạnh thể lý, mà còn ở góc độ tâm lý./.

Thế Anh