Hôm nay 26/12, căn cứ không quân Engels nằm sâu trong lãnh thổ Nga tiếp tục ghi nhận các vụ nổ lớn mà Nga cáo buộc do máy bay không người lái (UAV) của Ukraine gây ra. Đây đã là vụ tấn công thứ 2 nhắm vào căn cứ này trong tháng, làm dấy lên những hoài nghi về năng lực phòng không của Nga.
3 quân nhân Nga thiệt mạng do mảnh vỡ của một máy bay không người lái (UAV) Ukraine bị bắn hạ khi tấn công căn cứ không quân Engels, theo báo cáo của Nga.
Ukraine chưa bình luận gì về thông tin này.
Còn truyền thông thế giới thì đưa tin, ít nhất 2 vụ nổ đã xảy ra. Người dân đã nghe thấy tiếng nổ lớn và còi báo động không kích đã vang lên.
Đây không phải lần đầu tiên căn cứ không quan Engels - nằm khá gần với thủ đô Mátxcơva và cách biên giới Ukraine gần 700 km - bị tấn công.
LỖ HỔNG LƯỚI PHÒNG KHÔNG NGA
Nga lâu nay vẫn tự hào về khả năng sẵn sàng đối phó với một cuộc tập kích bất ngờ, nhờ sở hữu nhiều khí tài phòng không và vũ khí dẫn đường chính xác. Thế nhưng, 2 lần, trong vòng 20 ngày, Nga liên tiếp bị tấn công.
Các vụ nổ phơi bày một số vấn đề lớn hơn bên trong lực lượng phòng không Nga, cả về năng lực của khí tài cũng như mức độ sẵn sàng chiến đấu của binh sĩ sâu bên trong lãnh thổ.
Nhà phân tích SAMUEL BENDETT, Trung tâm nghiên cứu chiến lược CNA: "Có lẽ các khí tài phòng không hiện nay không an toàn, hiện đại như Nga nghĩ. Khi tin rằng đang sở hữu rất nhiều khí tài phòng không hiện đại, lực lượng trực chiến của Nga dường như không lường trước được rằng, những cuộc tấn công như vậy lại có thể xảy ra."
Thực tế, việc liên tiếp bị tấn công có thể sẽ là đòn giáng mạnh về tâm lý, khiến Nga phải thừa nhận những lỗ hổng trong lưới phòng không của mình, cũng như mức độ an toàn của lãnh thổ trước nguy cơ bị Ukraine tấn công. Đặt trong bối cảnh ngành công nghiệp quốc phòng đang hứng chịu loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga lại càng gặp khó trong việc tăng cường nhanh chóng lưới phòng không của mình.
Theo các chuyên gia, các cuộc tấn công đặt Nga vào lựa chọn khó khăn: hoặc để các sân bay chiến lược trong tình trạng dễ bị tấn công, hoặc rút một số hệ thống phòng không từ tiền tuyến về bảo vệ hậu phương. Trong tình hình chiến sự căng thẳng hiện tại trên thực địa, đây đều là những lựa chọn một mất một còn.
Thực hiện : Phòng Quốc tế