• 1039 lượt xem
  • 03:18 21/11/2022
  • Xã hội

Lời tri ân của "học sinh" đặc biệt dành tới những người thầy "gạn đục khơi trong"

Bài học của sự tử tế, nuôi dưỡng mầm thiện cho những số phận đang nỗ lực tìm lại bản thân… đó là công việc của những người thầy sau song sắt. Dù công việc “giáo dục lại” có khó khăn, vất vả nhưng đó là niềm tự hào vì họ đã hết lòng với công việc, với nhiệm vụ được giao phó.

Phạm Nhân Lê Trung Hiếu trú tại TPHCM phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cũng như nhiều phạm nhân khác khi lần đầu đến chấp hành án tại trại giam đều lo lắng, sợ sệt…thậm chí không chịu hợp tác. Nhờ sự quan tâm của Ban giám thị, hội đồng cán bộ, quản giáo của trại giam, đến nay Hiếu đã có thể hàng ngày trau dồi kiến thức về cuộc sống, pháp luật.

Phạm nhân LÊ TRUNG HIẾU, Trại giam Suối Hai, C10, BCA: "Có thể không dạy mình những cái kiến thức như ở ngoài các thầy cô giáo dạy, nhưng mà lại dạy mình để mình có thể thay đổi bản thân, thay đổi những sai trái, suy nghĩ sai trái hay những lệch lạc, lệch chuẩn để mình có thể mình trở thành người tốt, mặc dù là môi trường nó hoàn toàn đặc biệt. Những người thầy ở đây đều có những cái trái tim, tâm rộng mở để có thể hướng cho chúng tôi trở thành những người có ích, người biết suy nghĩ."

Không chỉ làm công tác quản lý, cải tạo người lầm lỗi, mỗi cán bộ nơi đây còn là người thầy đào tạo nghề, giúp các phạm nhân có cơ hội được học việc, làm việc… để họ biết và trân trọng sức lao động; xa hơn nữa, đó là hành trang quý để nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Phạm nhân NGUYỄN HOA VINH, Trại giam Suối Hai, C10, BCA: "Chúng tôi cũng muốn được gửi lời cảm ơn sâu sắc, chân thành đến tất cả các cán bộ gọi là các giáo viên của chúng tôi đã giúp đỡ chúng tôi, dạy dỗ chúng tôi những cái điều hay, lẽ phải trong cuộc sống và tìm ra được cái mục tiêu sống tốt đẹp cho bản thân mình."

Mỗi phạm nhân là một câu chuyện cuộc đời với những lầm lỡ, vì thế ngoài việc là người giáo viên truyền tải kiến thức, kĩ năng sống, những cán bộ quản giáo tại các trại giam trên cả nước nói chung và trại giam Suối 2 nói riêng còn là những “bác sĩ” điều trị căn bệnh về tinh thần, tâm hồn bởi không phải lúc nào những hình thức kỷ luật cũng phát huy tác dụng.

Thiếu tá TẠ TRỌNG TUYẾN, Quản giáo trại giam Suối Hai, C10, BCA: "Người quản giáo chúng tôi thường thường là sẽ sử dụng các biện pháp tâm lý để giáo dục và định hướng. Đôi khi lắm lúc về dựa vai như một người bạn thân, để tâm sự, để cho họ có thể là cởi mở được hết những cái nỗi lòng của họ ra, để từ đó mình có thể là định hướng cho họ theo chiều hướng tích cực, để họ từ đó họ an tâm tư tưởng và để chấp hành tốt cái bản án của họ"

Không bảng đen phấn trắng, không đứng trên bục giảng hay xưng danh, những người thầy lặng lẽ này chỉ mong những “học sinh cá biệt” của mình sớm hoàn lương và sống thật tốt bên ngoài xã hội. Nếu như những giáo viên giống như người lái đò đưa học sinh qua bến bờ tri thức, thì những quản giáo nơi đây giống như những người lái đó đưa người trò vượt qua dòng sông dữ của những lầm lỡ, những cám dỗ để về với bến bờ thiện lương.

Minh Quốc