Luật Đất đai (sửa đổi): Cần thay đổi cách hiểu với khái niệm "giải phóng mặt bằng"

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 3 kỳ họp. Trong bối cảnh này, sáng 19/10, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Tọa đàm: “Nghị quyết 18 và dự án Luật Đất đai (sửa đổi)”.

Nhiều ý kiến đóng góp hướng đến việc làm rõ sự phù hợp của nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với chủ trương, đường lối trong Nghị quyết Trung ương 18, chú trọng đến việc hài hòa lợi ích của các bên. 

Luật Đất đai có liên quan đến 186 luật khác, do đó tác động là rất lớn, không chỉ giữa luật mà giữa các Nghị định, hướng dẫn, thông tư... cũng đang có những điều chỉnh. Thực tiễn thời gian qua, việc giao đất có thu tiền, cho thuê đất qua hình thức đấu giá đã được thực hiện ổn định, đóng góp về ngân sách. Tuy nhiên, trong nghiên cứu tài liệu Chính phủ trình Quốc hội kèm theo dự thảo Luật, và theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy, việc giao đất có thu tiền và cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất còn chưa được tổ chức sử dụng một cách triệt để.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, sửa Luật Đất đai là cần nhưng chưa đủ, mà phải rà soát, sửa Luật Đấu giá tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp và các luật có liên quan.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần thay đổi khái niệm “giải phóng mặt bằng”, mà hình dung đó là quá trình chuyển dịch kinh tế đi đôi chuyển dịch sử dụng đất.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh đến 4 nhóm nội dung then chốt nhằm thể chế hóa Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đó là quy hoạch quản lý đất đai, định giá đất đai, phát triển kinh tế có chuyển dịch đất đai từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, và hiện đại hóa quản lý, tinh gọn bộ máy, phân cấp triệt để, thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ công phục vụ nhân dân.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Quang Ngọc