Sáng 6/4, các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Nội dung về mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật sang tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội tiếp tục được nhiều đại biểu cho ý kiến.
Tính khả thi là điều được đại biểu quan tâm khi dự thảo luật quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, thực tế hiện nay, giao dịch điện tử mới chỉ được thực hiện ở một số lĩnh vực; nhiều lĩnh vực vẫn còn khó khăn về hạ tầng công nghệ, thiếu pháp lý chuyên ngành, con người dẫn tới khó có thể thực hiện giao dịch điện tử.
Trong một góc nhìn khác, ý kiến đại biểu cho rằng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là nền tảng quan trọng tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế đất nước với mục tiêu chuyển đổi số đạt 20% GDP vào năm 2030. Do đó, việc mở rộng phạm vi như trong dự thảo là cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện khá nhiều lĩnh vực bị loại trừ trong luật hiện hành đã được triển khai giao dịch điện tử như xu thế chuyển đổi số tất yếu, bởi vậy việc mở rộng như trong dự thảo để mở ra công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách toàn dân và toàn diện.
Trước quan ngại của đại biểu về việc dự luật quy định quản lý chồng chéo, làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có liên quan, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, công tác thẩm tra quán triệt quan điểm hạn chế tối đa việc thay đổi chức năng, nhiệm vụ hiện nay của các cơ quan đang được phân công. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung 30 điều về nội dung; sửa đổi, bổ sung 9 điều về kỹ thuật; bãi bỏ một số quy định tại 5 điều và bỏ 3 điều.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!