Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi: Bổ sung đối tượng trao danh hiệu NSND, NSUT giúp tránh "so bì, bất bình"

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), liên quan đến đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các "soạn giả" trong lĩnh vực sân khấu được xét danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú", UBTVQH trình Quốc hội 2 phương án trong điều 66.

Phương án 1: Bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các "soạn giả" trong lĩnh vực sân khấu được xét danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú"; Phương án 2: Giữ như quy định của Luật hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêng về phương án 1. Đây cũng là phương án nhận được nhiều sự đồng tình của ĐBQH khi thảo luận tại hội trường.

 Nêu quan điểm ủng hộ với phương án 1, các đại biểu đều nhấn mạnh, việc mở rộng đối tượng trao danh hiệu sẽ thể hiện rõ sự quan tâm, khích lệ, sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước với những người lao động trong tất cả lĩnh vực nghệ thuật. Đây cũng là phương án giúp xóa đi sự phân biệt giữa nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn, tạo động lực lớn cho sự sáng tạo, cống hiến của giới văn nghệ sĩ. 

Bà NGUYỄN THỊ THU HÀ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: “Việc tiếp thu bổ sung tại dự thảo luật lần này đã tránh được sự so bì, bất bình, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của giới văn nghệ sĩ, kịp thời động viên, khích lệ lực lượng này sáng tác, sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển. ”

Bà MAI THỊ PHƯƠNG HOA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định : “Nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư, soạn giả là những nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật trên tác phẩm của mình. Đặc thù của những tác phẩm điện ảnh, kiến trúc, tác phẩm văn học là không có việc trình diễn tác phẩm bởi các nghệ sĩ, diễn viên, mà khán giả, độc giả, người xem chỉ được biết đến tác phẩm khi tác phẩm được trưng bày, xây dựng, xuất bản. Vì vậy, sẽ là công bằng và hợp lý hơn nếu các nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư, soạn giả cũng được xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú khi tác phẩm của họ đủ điều kiện và đưa tới công chúng. Ngoài ra, quy định này cũng góp phần ghi nhận, động viên, khích lệ đối với những người hoạt động trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cũng đề nghị cần làm rõ những đối tượng nào, những nghề nào thì được gọi là nghệ sĩ. Đồng thời, Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể, chi tiết về điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú đối với những đối tượng này.

Bà NGUYỄN THỊ LAN ANH - Đại biểu Quốc hội tỉnh  Lào Cai : “Mỗi một chuyên ngành nghệ thuật đều có những nét đặc trưng riêng, do vậy các văn bản do Chính phủ quy định thì cần có những tiêu chuẩn riêng đối với những nhóm đối tượng này, tránh tình trạng những nghệ sĩ gạo cội cả đời phấn đấu hy sinh cho nghệ thuật lại không được xét tặng. Đồng thời, cần làm rõ nội dung tác phẩm thế nào là tác phẩm xuất sắc, có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật và được công chúng yêu thích và đón nhận.”

Bà  NGUYỄN THỊ VIỆT NGA - Đại biểu Quốc hội tỉnh  Hải Dương : " Đề nghị trong thông tư hướng dẫn của Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể, chi tiết về đối tượng nhà văn sẽ bao gồm tất cả các tác giả sáng tác các thể loại văn học và dịch thuật, đó là nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch và dịch giả. Tránh việc chúng ta bỏ sót đối tượng và tiếp theo tôi đề nghị sửa từ "nhiếp ảnh" trong Điều 66 thành "nhiếp ảnh gia" cho chính xác."

Giải trình về nội dung này Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc bổ sung đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, soạn giả, trong lĩnh vực sân khấu để được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú khi họ đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định là một vấn đề mới xuất hiện. Trên thực tiễn, các đối tượng được xét tặng Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đang tập trung hướng tới đối tượng biểu diễn và trình bày tác phẩm và chưa có đối tượng sáng tác. Trong suốt quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo không nhận được thông tin này của các bên có liên quan. Tuy nhiên với một tinh thần cầu thị, Bộ trưởng Nội vụ cho biết cơ quan soạn thảo sẽ báo cáo chủ tọa phiên họp và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu cho lấy phiếu để ĐBQH lựa chọn quyết định phương án cụ thể.
 

Xuân Dần