Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Dùng mạng xã hội để công khai thông tin ở cấp xã

Sáng 27/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, cùng với việc thay đổi tên gọi của dự án Luật là “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”, Luật này quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

Dự thảo Luật quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó bổ sung quy định về ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, dự thảo đã mở rộng phạm vi công khai thông tin ở cấp xã phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành; đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã, bổ sung một số hình thức mới như đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử; thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân; thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật, thông qua mạng xã hội...

Chính phủ trình xin ý kiến về việc có nên quy định thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Quan điểm của cơ quan soạn thảo thống nhất với loại ý kiến cho rằng cần có quy định một chương riêng về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp, trong đó quy định một số đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật quy định chung về công khai thông tin tại doanh nghiệp, về người lao động tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát trong mọi loại hình doanh nghiệp...

 Về cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Ủy ban Pháp luật đề nghị trong dự thảo Luật cần bổ sung, làm rõ thêm các nội dung liên quan đến các quy định về hình thức kiểm tra, giám sát của người dân; nội dung kiểm tra, giám sát; hiệu lực của kiến nghị sau kiểm tra, giám sát và việc thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra, giám sát của người dân.

Đối với việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; theo đó trong Luật có một chương riêng quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào dự thảo Luật các quy định chi tiết, cụ thể hơn thể hiện rõ đặc thù trong việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước, nhất là về các nội dung người lao động được tham gia ý kiến, được bàn bạc, quyết định và kiểm tra để tạo cơ sở pháp lý cho người lao động ở các doanh nghiệp này thực hiện quyền làm chủ một cách thực chất, có hiệu quả.