Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Nhiều Đại biểu cho rằng tên gọi chưa phù hợp với nội dung của luật

Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, bởi dân chủ là phương thức để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích và quyền lực của mình để tham gia vào các hoạt động của Nhà nước và xã hội.

Song để hoàn thiện dự án luật các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ một số vấn đề liên quan đến tên gọi, bố cục cũng như phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.  

Về tên gọi của Luật, đại biểu Thạch Phước Bình đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng tên gọi của Luật là Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở tuy nhiên trong phần giải thích từ ngữ thiếu giải thích về dân chủ. Bên cạnh đó, Đại biểu cho rằng tên gọi chưa phù hợp với nội dung của luật.

Ông THẠCH PHƯỚC BÌNH, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: “Trong dự thảo luật gồm 6 chương 56 điều và trong đó không chỉ nói thực hiện dân chủ ở cơ sở mà còn nói như ở chương 2 còn nói dân chủ ở xã phường thị trấn, chương 3 là cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, chương 5 là thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tôi cho rằng nó chưa phù hợp với tên gọi, với nội dung, chính vì vây đề nghị ban soạn thảo xem lại nên chăng là chúng ta chỉ để là luật thực hiện dân chủ mà thôi, thì nó sẽ bao hàm hết trong đó có xã phường thị trấn, có cơ sở có doanh nghiệp có các đơn vị khác thì tôi nghĩ rằng nó sẽ phù hợp hơn và mang tính bao quát hơn.”

Cùng quan điểm này, đại biểu Mai Văn Hải đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cho rằng chưa có sự đồng nhất giữa tên luật với nội hàm của thuật ngữ “cơ sở”. Đại biểu đề xuất nên sửa tên luật là Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, các cơ quan đơn vị và doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời, đại biểu đề nghị cần xem xét phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. 

Ông MAI VĂN HẢI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá: “Cần phải nói rõ quy định về nội dung hình thức cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở xã phường thị trấn các cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập doanh nghiệp hợp tác xã nếu quy định như dự thảo mới diều chỉnh với xã phường thị trấn thôi. Cái này rất không đồng nhất giữa phạm vi điều chỉnh với giải thích từ ngữ tôi đề nghị là cần phải quan tâm.” 

Liên quan đến tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đại biểu Cầm Hà Chung đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu xem xét các quy định về đối tượng áp dụng luật, cũng như quyền và nghĩa vụ của người dân, cơ quan, tổ chức có liên quan. 

Ông CẦM HÀ CHUNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ: “Ở khoản 1 điều 2 thì nêu cơ sở là các xã phường thị trấn, cơ quan đơn vị sự nghiệp nhà nước, doanh nghiệp, đưa các tổ chức này vào để áp dụng luật, nhưng khoản 2 điều 72 thì lại quy định cơ quan của đảng cộng sản việt nam, uỷ ban thường vụ quốc hội, chánh án toà án nhân dân tối cao viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao, bộ trưởng bộ quốc phòng… tóm lại là những cơ quan này bị tách ra quy định việc thực hiện dân chủ cơ sở trong nội bộ của cơ quan đơn vị cái này đề nghị cần xem xét cho nó thống nhất, bởi đó là cùng tổ chức thực hiện.”

Cùng với đó, các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo làm rõ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các điều khoản trong dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất trong việc quy định đối với các loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở; cân nhắc, sử dụng thống nhất một số thuật ngữ trong dự thảo Luật để phản ánh đúng nội hàm, tính chất và có tính nhất quán.

Ngọc Thiện