Lưới an sinh | Số 2 |: Cần chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Quyết định 861 phân định các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên cả nước là chính sách đúng đắn của Đảng, nhà nước. Việc phân định nhằm xác định rõ các khó khăn đặc thù, mức độ phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương. Tuy nhiên ra khỏi khu vực đặc biệt khó khăn, đồng nghĩa với việc không còn được hỗ trợ các chính sách, trong đó có thẻ BHYT.

Theo Quyết định 861, tổng số xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 giảm 406 xã so với giai đoạn 2016-2020. Điều này đồng nghĩa, người dân tại các khu vực này không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn và sẽ không được hưởng các chính sách dân tộc, trong đó có BHYT.

Khi các địa phương ra khỏi xã đặc biệt khó khăn nhưng đời sống kinh tế lại không thay đổi. Thu nhập hàng tháng của bà con nơi đây vẫn chưa đảm bảo để có thể tiếp cận với việc tự mua thẻ BHYT.

Trong số 406 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, Thanh Hóa là một trong số tỉnh đứng đầu cả nước bị tác động từ quyết định 861 với 79 xã. Như vậy, có khoảng hơn 300 nghìn người dân bị cắt giảm thẻ BHYT. Và cả nước có khoảng 2,1 triệu người không được hỗ trợ thẻ BHYT. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ bao phủ BHYT tại các khu vực này giảm, kéo theo tỷ lệ bao phủ BHYT khó đạt mục tiêu hết năm 2022 là 92%.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đã đề nghị Chính phủ cần đánh giá tác động từ đó có chính sách hỗ trợ kịp thời cho bà con dân tộc thiểu số về BHYT từ quyết định 861.

Cùng với đó là các tin tức: quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động năm 2023; từ 1/7/2023 thay đổi mức đóng BHXH, thí điểm 2 nhóm dịch vụ công liên thông liên quan đến BHXH, BHYT; phát động chương trình tặng sổ BHXH, BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn là những nội dung sẽ có trong chương trình.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Phạm Cường