Rượu cần truyền thống của đồng bào dân tộc Rai Mỹ Thạnh, tỉnh Bình Thuận có màu sắc và mùi vị hết sức đặc biệt vì được làm bằng men từ các loại cây, lá thuốc trên rừng. Tuy nhiên, hiện nay cùng với sự phát triển của các loại men công nghiệp, kỹ thuật nấu rượu cần truyền thống ở đây dần mai một, còn rất ít nghệ nhân có thể ủ rượu bằng men cây rừng.
Bà Lê Thị Hang là một trong ít người lớn tuổi tại xã Mỹ Thạnh còn lưu giữ được kỹ thuật làm rượu cần truyền thống. Để làm được rượu cần của đồng bào dân tộc Rai, men ủ rượu phải được làm từ gạo nếp giã với 3 loại lá, thân cây được lấy sâu trong rừng. Sau khi giã, men được tạo khối phơi khô sau một tuần lại được giã nát để ủ rượu. Theo bà Hang rượu được ủ bằng loại men làm từ lá rừng có màu sắc, mùi vị vô cùng thơm ngon được dùng trong những dịp đặc biệt của gia đình.
Rượu cần truyền thống vô cùng đặc biệt, nhưng hiện nay còn rất ít nghệ nhân tại Mỹ Thạnh có thể ủ rượu bằng men cây rừng, hầu hết rượu cần của đồng bào Rai được làm từ các loại men công nghiệp, không còn giữ được mùi vị xưa.
Trong rừng Mỹ Thạnh có rất nhiều loại cây lá nhưng không phải loại nào cũng có thể lấy làm men rượu cần. Để tìm đủ được các loại nguyên liệu bà Hang phải vào rừng từ sớm, đôi khi phải nếm từng vị mới tìm đúng loại vỏ cây cần dùng. Theo bà Hang để làm ra được một hũ rượu cần phải bỏ nhiều công sức và thời gian vì vậy người trong làng không còn ai muốn giữ nghề truyền thống. Điều bà lo nhất là khi mình già yếu, mất đi sẽ không còn ai biết được mùi vị đặc biệt của rượu cần Mỹ Thạnh.
Đối với đồng bào Rai Mỹ Thạnh rượu cần có vai trò quan trọng, nhà nào cũng có từ một đến hai hũ rượu cần để trong nhà, thế nhưng thay vì rượu cần truyền thống ngày nay rượu cần trong nhà của người đồng bào Rai đều là rượu cần công nghiệp. Những nghệ nhân như bà Hang thì ngày một lớn tuổi, nếu không được quan tâm, gìn giữ kỹ thuật nấu rượu cần độc đáo của người Rai Mỹ Thạnh sẽ mất đi không thể tìm lại được.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!
Thực hiện : Lê Trang