Mặt trăng sắp có múi giờ riêng, lịch âm Việt Nam có bị thay đổi?

Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đề xuất xây dựng giờ mặt trăng chuẩn để tăng tính đồng bộ và thuận tiện cho các nhiệm vụ không gian, Smithsonian hôm 28/2 đưa tin.

Được biết, tại thời điểm hiện nay, mỗi sứ mệnh mặt trăng đều đang sử dụng múi giờ của quốc gia chủ quản và liên kết với giờ quốc tế dựa trên các múi giờ trái đất (UTC). Thế nhưng, phương pháp này không mang lại sự chính xác cao, đồng nghĩa với việc các tàu vũ trụ được vận hành từ những nơi khác nhau sẽ không đồng bộ với nhau.

Việc thiết lập giờ mặt trăng chuẩn không chỉ cho phép trao đổi thông tin dễ dàng hơn mà còn giúp phi hành gia định hướng. Các cơ quan vũ trụ dự định lắp đặt hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GNSS) trên mặt trăng vào khoảng năm 2030. Hệ thống sẽ hoạt động tương tự như GPS trên trái đất, sử dụng những vệ tinh mang đồng hồ nguyên tử để tính toán vị trí.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đang đắn đo trước câu hỏi rằng cách tính thời gian của âm lịch sẽ hoạt động như thế nào sau khi quy chuẩn múi giờ cho mặt trăng được thiết lập, bởi âm lịch là loại lịch dựa trên các chu kỳ của tuần trăng, được nhiều nền văn hóa sử dụng, trong đó có Việt Nam.

Theo Bernhard Hufenbach, một đại diện của ESA, để giải quyết những câu hỏi như vậy đòi hỏi phải vượt qua một số rào cản kỹ thuật. Chẳng hạn như thực tế là đồng hồ trên mặt trăng chạy chậm hơn so với trên trái đất, khoảng 56 phần triệu giây mỗi ngày.

Các chuyên gia cho rằng, sự khác biệt này cuối cùng sẽ dẫn đến một số vấn đề trong phép đo chính xác, khiến đồng hồ không còn là công cụ đáng tin cậy nếu so sánh trên bề mặt mặt trăng với quỹ đạo trái đất.

"Đây sẽ là một thách thức lớn. Nhưng sau khi thiết lập được hệ thống thời gian cho mặt trăng, chúng ta có thể tiếp tục làm điều tương tự cho những hành tinh khác", Bernhard Hufenbach, thành viên nhóm quản lý Moonlight, cho biết.

(*) Nguồn: Dân trí

Việt Bắc