• 1249 lượt xem
  • 03:01 05/02/2023
  • Xã hội

Minh bạch thu chi có ngăn được "mập mờ" công đức?

Với văn hóa tâm linh của người Việt Nam thì gần như ai cũng đã từng góp tiền công đức tại các đền chùa. Tuy nhiên, tiền công đức được quản lý, chi dùng như thế nào lại là một điều vừa gần gũi, vừa bí ẩn.

Thường khi đề cập đến vấn đề tài chính thì chúng ta cần một vài con số cụ thể nào đó, nhưng đối với tiền công đức đã thu được tại các khu di tích trong các năm qua, dù muốn nhưng chúng tôi cũng không thể có bất kỳ con số chính xác nào bởi từ trước đến nay chẳng có một thống kê nào được thực hiện khi mỗi một đền, chùa đều có một cách quản lý riêng của mình. 

Những ngày đầu năm, Chùa Hương lúc nào cũng đông nghẹt các du khách thập phương, vì thế mà hòm công đức cũng được đặt ở nhiều nơi trong chùa để mỗi người góp chút thành tâm nơi cửa phật. Cứ thêm một ngày cuốn sổ ghi lại dày thêm nhiều trang mới. Vì là tấm lòng của người dân nên nhà chùa không muốn nhắc đến số tiền công đức thu được qua các năm, chỉ biết rằng giờ đây khi di tích Chùa Hương có được diện mạo như thế này là nhờ nguồn đóng góp đó. Toàn bộ số tiền công đức thu được từ trước tới nay đều do nhà chùa tự thống kê và quản lý.

Khu di tích Đền Bà Chúa Kho…, dù khoảng sân nhỏ nhưng Ban Quản lý cũng bố trí gần 10 bàn ghi công đức. Từ 5 trục, một trăm, mỗi người góp một ít, vậy mà gom vào cũng thành tiền tỷ. Năm nay thì chưa biết, nhưng theo lãnh đạo Ban Quản lý thì năm trước nhà đền thu được gần 15 tỷ đồng. Theo quy định, nguồn thu từ tiền công đức phải được công khai, minh bạch. Tuy nhiên, công khai với ai, minh bạch như thế nào thì lại không quy định rõ ràng. Thế nên khi phóng viên muốn tiếp cận hồ sơ, sổ sách để minh bạch tiền công đức trong thời gian qua thì bị từ chối và chỉ nhận được cam kết, thu chi chặt chẽ, có thống kê cụ thể từ lãnh đạo Ban Quản lý Khu di tích này.

Hiện nay, ngoài việc dùng để lo các hoạt động hàng ngày như: Mua nhang đèn, trả công cho những người phục vụ thì tiền công đức tại các Khu Di tích thường được báo cáo, sử dụng vào các mục đích như trùng tu hạ tầng di tích và đóng góp một phần vào ngân sách nhà nước. Do mô hình quản lý di tích chưa thống nhất, cho nên tiền công đức được thu, chi, quản lý, sử dụng khác nhau.

Mời quý vị cùng theo dõi chương trình!

Trần Tiến