Mở rộng phạm vi đối tượng và hành vi bạo lực gia đình

Chiều 25/4, tại Hà Nam, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo khu vực phía bắc lấy ý kiến về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Việc bổ sung phạm vi đối tượng và hành vi bạo lực gia đình tại dự thảo Luật sửa đổi lần này nhận được sự quan tâm, cho ý kiến của nhiều đại biểu.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho thấy bức tranh bạo lực gia đình ở góc độ tình dục, bạo lực đối với người đồng tính, trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu do bạo hành. Đặc biệt, bạo lực giới trong bối cảnh Covid-19 có xu hướng phức tạp hơn, bạo lực đối với trẻ em cũng gia tăng. Qua phân tích nguyên nhân và hậu quả của bạo lực gia đình, các ý kiến đều nhấn mạnh, trong sửa đổi Luật lần này điều quan trọng là phải làm rõ các khái niệm như “gia đình”, “thành viên gia đình”, “bạo lực gia đình”, “bạo lực giữa các thành viên”. 

TS. KHUẤT THU HỒNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội: “Chúng ta cũng nên cân nhắc, làm rõ khái niệm phạm vi điều chỉnh của luật, định nghĩa rõ ràng ai là thành viên gia đình, Ngoài ra, các hành vi bao lực gia đình liệt kê nhiều nhưng nên nhóm lại 1 số nhóm chính: bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần, tình cảm, kinh tế. Các nhóm đó liệt kê các hành vi thường gặp nhất”.

Ngoài các hành vi bạo lực gia đình được quy định áp dụng đối với người đã ly hôn, nhiều ý kiến cũng đề nghị áp dụng bổ sung đối với trường hợp những người sống chung mà không kết hôn hoặc không có quan hệ huyết thống, người có quan hệ nuôi dưỡng. Bởi thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ bạo lực thương tâm giữa mẹ kế, cha dượng đối với con riêng của vợ, của chồng.

Anh TRẦN VĂN THÌN, Trưởng Công an xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam: “Nên mở rộng đối tượng bạo hành, ngoài đối tượng thành viên gia đình thì có thể bổ sung trường hợp như con nuôi, sống chung nhưng không đăng ký kết hôn, người được nuôi dưỡng…, để đảm bảo mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được bảo vệ về danh dự nhân phẩm”.

Điều 4 Dự thảo Luật đã bổ sung quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình đối với người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người khuyết tật, người bị bệnh không có khả năng tự chăm sóc... Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Quốc hội cần nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm một số hành vi bạo lực gia đình để áp dụng điều chỉnh phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay, nhất là trước hành vi lợi dụng phong tục như bắt vợ, cướp vợ để ép kết hôn.

Như Huỳnh