Một hình mẫu trong công tác bảo tồn biệt thự Pháp cổ

Để xây mới một công trình hiện đại, có thể chỉ cần tiền nhưng để có được một di sản kiến trúc, ta còn cần đến những yếu tố không mua được bằng tiền và không dễ gì cân, đo, đong, đếm được. Phóng sự sau đây cho thấy một hình mẫu về công tác bảo tồn biệt thự Pháp cổ tại Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội là thành phố được sở hữu hệ thống di sản quý và phong phú. Sự kết hợp tinh tế những nét văn hóa kim cổ hài hòa đã tạo nên bản sắc riêng cho một thủ đô thanh lịch. Đáng tiếc là bên cạnh rất nhiều công trình khang trang, rực rỡ, Hà Nội vẫn còn những ngôi biệt thự bỏ hoang một cách lãng phí thế này, ngay giữa các quận trung tâm. Sự lãng phí ở đây bao gồm cả lãng phí giá trị tinh thần và giá trị về kinh tế, đặc biệt khi các biệt thự Pháp cổ hầu hết đều nằm trên mặt phố, ở những vị trí đắt đỏ nhất thủ đô. 

Trước thực tế đó, thành phố Hà Nội đã triển khai chương trình hợp tác dài hơi với Chính quyền vùng Ile-De-France (Cộng hòa Pháp), với dự án nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đô thị khu phố Pháp. Hiện tại, Dự án trùng tu ngôi biệt thự Pháp cổ  (tọa lạc giữa ngã tư Hàng Bài - Trần Hưng Đạo, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm) đang thu hút sự quan tâm đông đảo của công luận.

Ông NICOLAS WARNERY, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam: “Thành phố Hà Nội hiện có khoảng trên 1200 biệt thự Pháp cổ, mà theo tôi được biết, ở vùng Đông Nam Á thì đây là nơi duy nhất còn lại một khối lượng di sản lớn như vậy. Thành phố Hà Nội đã thực hiện tốt việc bảo tồn các công trình di sản. Chúng tôi rất vinh hạnh được tham gia hỗ trợ cùng Hà Nội thực hiện kế hoạch này.”

Sau những tháng ngày nằm lặng im nơi góc phố, ngôi biệt thự trăm tuổi này sẽ được hồi sinh trên nguyên tắc bảo tồn tối đa những yếu tố gốc, với chức năng là Trung tâm Giao lưu văn hóa Pháp, một địa điểm lý tưởng để tổ chức các hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa, xúc tiến thương mại - kinh tế giữa hai đất nước; đồng thời là một điểm giới thiệu kỹ thuật bảo tồn, trùng tu biệt thự, trở thành một hình mẫu trong công tác bảo tồn, làm hồi sinh nhiều biệt thự cổ khác trên địa bàn Hà Nội.

Ông DƯƠNG ĐỨC TUẤN, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội: “Hy vọng rằng những hạng mục dự án như thế này sẽ được tiến hành nhiều hơn nữa trong thời gian tới với tất cả sự cố gắng của các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương, để trở thành một công trình bảo tồn, phát huy giá trị hình mẫu, đồng thời tạo ra tổng thể mới cho kinh tế đô thị, tạo ra những điều kiện phát triển kinh tế mạnh mẽ thông qua cái công nghiệp văn hóa.”

Ông PHẠM TUẤN LONG, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội: "Với mục tiêu là quảng bá các giá trị văn hóa lịch sử của Hà Nội, trở thành một nơi giao lưu về nghệ thuật cũng như là các sản phẩm sáng tạo của thủ đô, chúng tôi tin rằng biệt thự 49 Trần Hưng Đạo trong một năm nữa khi hoàn thành sẽ trở thành một trong những điểm đến không thể thiếu của du khách, giới văn nghệ sĩ và người dân Hà Nội." 

Câu chuyện gắn kết di sản với phát triển đô thị nếu được thực hiện bài bản và khéo léo sẽ đóng góp tích cực vào quá trình tích lũy, làm giàu thêm vốn văn hóa, lịch sử, đồng thời cũng có mối liên quan mật thiết đến sự tăng trưởng kinh tế đô thị. Và khi đó, mỗi công trình di sản được hồi sinh hiệu quả sẽ tiếp tục trở thành món quà rất quý mà chúng ta gửi đến thế hệ sau. 

Thiện Đoan