Một phần mặt trời bị vỡ tạo ra cơn lốc xoáy plasma chưa từng thấy

Ngày 10/2, một dải plasma hình vòng cung khổng lồ đã bắn lên từ bề mặt mặt trời, sau đó vỡ ra trong khí quyển và rơi xuống, bay vòng quanh cực bắc của ngôi sao với tốc độ hàng nghìn km/phút, rồi biến mất.

Toàn bộ cảnh tượng kéo dài khoảng 8 giờ đã được ghi lại bởi Đài quan sát Động lực học mặt trời của NASA. Các nhà khoa học nói rằng họ chưa nhìn thấy bất cứ hiện tượng nào giống như vậy trước đây. Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu cho biết lốc xoáy plasma này hoạt động cũng tương tự như xoáy cực của trái đất.

Các "xúc tu" plasma phổ biến hơn khi chu kỳ hoạt động 11 năm của mặt trời đang dần đạt mức cực đại (vào năm 2025). Trong vài tháng qua, ngôi sao mẹ của trái đất đặc biệt mạnh mẽ.

Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, bản thân các dải plasma không gây ra mối đe dọa nào cho Trái Đất, nhưng chúng có thể dẫn đến việc giải phóng các đốm plasma và từ trường khổng lồ chuyển động nhanh, được gọi là hiện tượng phun trào vành nhật hoa. Nếu một trong những đốm tích điện này hướng về Trái Đất, nó có thể làm hỏng các vệ tinh, gây ra sự cố lưới điện trên diện rộng và tạo nên cực quang nhiều màu sắc có thể nhìn thấy được ở các vĩ độ thấp hơn nhiều so với thông thường.

(*) Nguồn: NASA

Nhật Linh