• 1618 lượt xem
  • 15:53 23/11/2022
  • Văn hóa

Mục sở thị Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa về việc bảo tồn cổ tích

Nằm sâu dưới mặt đất 12m, trong kho lưu trữ ở tầng hầm thứ ba của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước-Bộ Nội vụ), Bảo vật quốc gia - Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa 1945-1946 đang được bảo quản theo chế độ nghiêm ngặt nhất, bảo đảm lưu giữ vĩnh viễn, trường tồn cùng năm tháng.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ ra đời. Trong những ngày đầu tiên của nhà nước non trẻ, mới giành độc lập, mặc dù đất nước phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, giặc đói, giặc dốt, “thù trong giặc ngoài”, chính quyền cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là Chủ tịch lâm thời vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc bảo tồn di tích và cổ tích trên toàn cõi Việt Nam. Ngày 23/11/1945, hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành độc lập, trong bộn bề những khó khăn, thách thức đối với một nhà nước mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 65/SL “ấn định nhiệm vụ Phương Đông Bác cổ học viện” có nhiệm vụ bảo tồn tất cả các cổ tích trong toàn cõi Việt Nam.

Sắc lệnh đã đánh giá cao vai trò của di sản văn hoá coi “Việc bảo tồn cổ tích là việc cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước nhà”. Sắc lệnh nêu rõ: “Nghiêm cấm việc phá hủy những đình chùa, đền miếu hoặc nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, có ích cho lịch sử, nhưng chưa được bảo tồn”.

Sắc lệnh số 65/SL tuy ngắn gọn, súc tích, nhưng phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc, thể hiện tầm nhìn chiến lược, những quan điểm của định hướng hết sức đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà nước ta đối với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hoá dân tộc. Đó là quan điểm về vai trò quan trọng của di sản văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, về tính kế thừa trong phát triển văn hóa, về trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và mỗi công dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa. Sắc lệnh trong những ngày đầu cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị như những tuyên ngôn và pháp luật của chính quyền nhân dân, là sự khởi đầu đặt nền móng cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa ở nước ta.